Trải nghiệm 24 giờ sống trong vũ trụ ảo

[ad_1]

Nhà báo Joanna Stern của WSJ dành một ngày trong vũ trụ ảo với nhiều trải nghiệm thú vị nhưng xen lẫn hoài nghi.

“Có lẽ tôi không cần ngạc nhiên nếu ảnh đại diện của mình trong metaverse lọt vào mắt xanh của một chương trình hài ảo. Trong thế giới này, mặt tôi trông như Lego Minifigure, đôi tay có thể tháo rời và phần thân không chân có thể lướt đi”, Stern mô tả về những cảm nhận đầu tiên của mình trong vũ trụ ảo.

Các hình ảnh đại diện của Joanna Stern trong metaverse. Ảnh: WSJ

Các hình ảnh đại diện của Joanna Stern trong metaverse. Ảnh: WSJ

Ban đầu Stern thấy hồi hộp khi trở thành trung tâm của sự chú ý trong phòng với hơn 40 người kỹ thuật số lơ lửng khác. Sau đó, cô chợt nhớ ra đang ở một mình trong phòng khách sạn với tai nghe thực tế ảo Oculus Quest 2.

“Đó là cuộc sống trong metaverse, nơi thế giới kỹ thuật số biến đổi thế giới thực theo những cách thú vị, kỳ quái và đôi khi đáng sợ”, nhà báo của WSJ nói.

Họp online trở nên thú vị hơn

Bắt đầu một ngày trong metaverse với cuộc họp online, Stern không giữ được sự nghiêm túc khi nghe thấy giọng của vị sếp khó tính phát ra từ một nhân vật hoạt hình giống Milhouse cụt chân trong The Simpsons. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, họ nhận ra trải nghiệm này thú vị hơn nhiều so với những cuộc họp nhàm chán trên Zoom. “Có cảm giác ông ấy thật sự đang ngồi đối diện với tôi, giao tiếp trực tiếp bằng mắt”, Stern kể.

Giao diện một cuộc họp trong Metavers. Ảnh: WSJ

Giao diện một cuộc họp trong Metaverse. Ảnh: WSJ

Họ gặp nhau trong phòng họp ảo Horizon của Meta. Mọi người có thể tham gia qua đường link trên web. Nếu dùng kính VR, họ có thể xuất hiện dưới dạng một avatar, hoặc vẫn là giao diện màn hình truyền thống với không gian và nhân vật ảo của người kia.

Tương tự nền tảng ảo khác là Spatial, người dùng có thể tải ảnh của mình lên trang web của công ty, sau đó được trả về một phiên bản robo-phantasmic tinh vi. Nền tảng cũng cho phép thay đổi thiết kế không gian 3D. Trong đó, Stern đã gặp Anand Agarawala, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Spatial, đang ngồi bên lửa trại ảo, trong một phòng trưng bày nghệ thuật NFT với đủ loại tác phẩm kỹ thuật số treo trên tường.

Dù hình đại diện trong cả hai ứng dụng rất khác nhau, chúng có chung một đặc điểm: không có chân. “Đó là một thách thức kỹ thuật. Chúng tôi đang phát triển những chiếc kính tốt nhất để mọi người có thể trải nghiệm metaverse một cách trọn vẹn”, Meaghan Fitzgerald, Giám đốc tiếp thị sản phẩm thực tế ảo tại Meta, nói. Cô cho biết công ty đang cố gắng làm việc để người dùng cảm nhận được những trải nghiệm chân thực nhất, ví dụ như khi nhìn xuống chân thì nó phải là một đôi chân thay vì hư không.

Vấn đề của metaverse

Stern thực hiện rất nhiều cuộc họp trong metaverse. Tất cả đều thú vị, một phần vì cô có thể kiểm soát được những người được mời. Tuy nhiên, cảm giác riêng tư bị mất đi ngay khi người dùng tham gia vào các sự kiện công khai.

Trong buổi hòa nhạc ảo trên nền tảng AltspaceVR của Microsoft, Stern nhìn thấy rất nhiều hình đại diện xung quanh và nghe mọi người trò chuyện. “Tôi tình cờ nghe được một y tá nói cô ấy vừa chứng kiến một cái chết. Một số người khác chủ động kết bạn với tôi và nói họ đã kết hôn trong vũ trụ ảo…”, Stern kể.

Nền tảng này cung cấp một số công cụ bảo mật, cho phép người dùng nhấp vào ảnh đại diện của ai đó và tắt tiếng hoặc chặn. Trên đây còn có những người kiểm duyệt đi lang thang trong không gian để hỗ trợ người dùng. Những “cảnh sát online” này thậm chí trà trộn vào đám đông và tìm kiếm kẻ phá hoại.

Kris Tinkle, một diễn viên hài ở Las Vegas xuất hiện ở đây dưới dạng hình đại diện, biểu diễn trong sự kiện AltspaceVR. Ảnh: WSJ

Kris Tinkle, diễn viên hài ở Las Vegas, xuất hiện trong metaverse và biểu diễn trong sự kiện ảo của AltspaceVR. Ảnh: WSJ

Trong metaverse, người dùng còn có thể làm được nhiều thứ hơn họp hành, như chơi game, nghe nhạc. Tuy nhiên, chi phí để trải nghiệm các dịch vụ này còn khá đắt đỏ.

Stern cũng tạo ra bốn hình đại diện khác nhau trong vũ trụ ảo để tham gia nhiều hoạt động cùng lúc. Các hình đại diện của cô xuất hiện trên nhiều trò chơi, ứng dụng tập luyện và các cuộc họp cùng lúc. Cả Meta và Microsoft đều cho phép người dùng “phân thân” trong metaverse. Đây có thể là vấn đề gây lo ngại trong tương lai khi mọi người có thể làm nhiều việc cùng lúc hoặc không hề chú tâm vào bất kỳ việc nào.

Giới hạn về phần cứng

Kính thực tế ảo vẫn còn nhiều giới hạn vật lý như thiết kế quá cồng kềnh, dung lượng pin chỉ được ít giờ rồi đột ngột tắt hoặc vấn đề về nhiệt độ khi dùng lâu. Ngoài ra, nếu sử dụng liên tục, độ bền của thiết bị cũng là một thách thức lớn.

Theo Stern, kính AR rất cần thiết trong metaverse để người dùng nhìn thấy các hình ảnh ba chiều một cách tự nhiên nhất. Nhưng phải mất 5-10 năm nữa, các nhà phát triển phần cứng mới giải quyết được những vấn đề này.

Giám đốc điều hành Evan Spiegel của Snap nói: “Chúng tôi quan tâm đến AR vì nó sẽ giải quyết các vấn đề kết nối tốt hơn so với việc dùng máy tính như hiện tại”.

Sau khi dùng kính thực tế ảo 24 giờ, Stern cho biết cô phải dùng thuốc giảm đau đầu khi đeo kính thời gian dài. “Thật tuyệt khi tham gia một cuộc họp ảo với sếp của tôi. Mọi thứ đều có vẻ rất thật cho đến khi tôi cần ghi chú lại nội dung cuộc họp. Tôi cần gõ trên bàn phím thật, nhưng mắt tôi đang bị che bởi kính VR. Tôi thậm chí không biết máy tính của mình đang nằm ở đâu trong phòng”, Stern nói.

Sau một ngày sống trong metaverse, Joanna Stern cho rằng sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết để con người thật sự sống được trong vũ trụ ảo. Trong thời gian đó, lựa chọn phù hợp nhất là kết hợp giữa cả thực và ảo.

Khương Nha (theo WSJ)

[ad_2]