TikTok ‘tiến thoái lưỡng nan’ khi bán cho Mỹ

TikTok đang phải đối phó với lệnh cấm từ Mỹ và quy định hạn chế từ Trung Quốc, nên có thể phải “bán mình” nhưng không kèm thuật toán.

Thuật toán For You – ‘linh hồn’ của TikTok

So với các mạng xã hội khác, điểm nhấn của TikTok là tính năng For You – đề xuất nội dung thông minh dựa trên AI. Ứng dụng thuộc ByteDance không cung cấp một loạt video ngẫu nhiên như các đối thủ. Thay vào đó, thuật toán của nó “biết” người dùng cần gì và gợi ý video theo đúng chủ đề đó.

“Một phần từ sự kỳ diệu của TikTok là For You. Trên những ứng dụng khác, nhiều người có thể xem một số video nổi bật giống nhau, nhưng dữ liệu do For You đề xuất với mỗi người là duy nhất và phù hợp với cá nhân đó”, TikTok giải thích về thuật toán của mình trên blog hồi tháng 6.

TikTok đang bị kéo vào thương chiến Mỹ - Trung. Ảnh: Telegraph.

TikTok đang bị kéo vào thương chiến Mỹ – Trung. Ảnh: Telegraph.

Thuật toán của TikTok hoạt động thế nào vẫn là điều bí ẩn. Nhưng nhờ thuật toán này, người dùng nhanh chóng yêu thích ứng dụng trong thời gian ngắn, với hai tỷ lượt tải trên mọi nền tảng chỉ sau ba năm. Nó cũng giúp sự nghiệp của nhiều người “cất cánh” chỉ qua các video vui nhộn – những người nhận thấy việc tăng lượt theo dõi trên TikTok dễ dàng hơn nhiều so với những đối thủ khác, như Instagram.

Tuy nhiên, với tư cách là chủ sở hữu TikTok, ByteDance đang đối mặt với tương lai mờ mịt tại Mỹ và một số thị trường trọng điểm do lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, chính sách kiểm soát xuất khẩu mới của chính quyền Trung Quốc, trong đó giới hạn bán những công nghệ liên quan đến “đề xuất nội dung cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu”, khiến ByteDance lâm vào thế khó.

Nếu không đảm bảo việc mua bán trước 12/10, TikTok có thể bị chặn hoàn toàn tại Mỹ. Các chuyên gia dự đoán ByteDance khó có thể sớm xin được giấy phép từ chính quyền Trung Quốc và nhiều khả năng phải bán ứng dụng video mà không có thuật toán đề xuất For You như một cách để lách luật Bắc Kinh.

Giới phân tích bi quan

Chris Beauchamp, trưởng nhóm phân tích thị trường tại công ty nghiên cứu và giao dịch IG, cho rằng nếu không có thuật toán, những công ty muốn mua TikTok có thể phải “suy nghĩ lại về triển vọng phát triển”. Tuy nhiên, ông dự đoán nó cũng không cản trở hoàn toàn cơ hội tồn tại của TikTok ở các thị trường phương Tây.

“TikTok vẫn có một cơ sở dữ liệu người dùng khổng lồ, từ đó có thể khai thác cho mục đích quảng cáo. Những công ty mua lại cũng có cơ hội tự tạo thuật toán riêng để phát triển ứng dụng. Tất nhiên, đây là vấn đề phức tạp, mạo hiểm và chưa chắc sẽ thành công”, Beauchamp nhận xét.

Sophia Ignatidou, nhà phân tích tại học viện Chatham House, tin rằng một phần lý do ByteDance thành công tại Trung Quốc là do quy định về quyền riêng tư ở nước này lỏng lẻo hơn những nơi khác. Bên cạnh đó, việc thoải mái thu thập dữ liệu tại quốc gia tỷ dân cũng giúp AI của TikTok có thể cải thiện độ chính xác khi tìm hiểu về sở thích của mọi người.

“Một trong những lý do Trung Quốc đi đầu trong việc phát triển AI những năm qua là vì nước này không có các quy định hạn chế về thu thập dữ liệu như như các quốc gia phương Tây”, bà Ignatidou nhận định.

Việc hạn chế xuất khẩu, chủ yếu công nghệ về AI, của Trung Quốc cuối tháng 8 được xem là động thái đáp trả của Bắc Kinh sau khi chính quyền Trump cấm các công ty bán dẫn có liên quan đến Mỹ làm ăn với Huawei. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của nó không lớn như lệnh cấm của Mỹ.

Nhà phân tích công nghệ Richard Windsor, sáng lập công ty nghiên cứu Radio Free Mobile, đánh giá các quy định từ phía Trung Quốc chỉ nhắm vào phần mềm. Nó khác nhiều so với những quy định về bán dẫn vốn được sử dụng ở hầu hết các lĩnh vực công nghệ tiêu dùng trên toàn cầu mà Mỹ đưa ra.

“Có vẻ quy định mới về xuất khẩu của Trung Quốc chỉ nhằm cản trở việc TikTok bị bán cho công ty Mỹ. Nếu điều này chính xác, nó có thể phản tác dụng”, Windsor nói. “TikTok có thể bị thay thế, nó ngược hoàn toàn với việc sản xuất chất bán dẫn”.

Hiện một số đối thủ của TikTok đã tung ra các ứng dụng tương tự. Đáng chú ý nhất là tính năng quay video ngắn Reels trên Instagram, với các đặc điểm không khác nhiều so với ứng dụng của ByteDance.

Theo Windsor, TikTok là phần mềm. Do đó, việc sao chép tính năng đơn giản hơn và cũng không vấp phải quá nhiều rào cản pháp lý, như Reels là ví dụ điển hình. Trong khi đó, lệnh cấm bán dẫn của Mỹ dành cho Huawei có tác động lớn hơn nhiều, bởi gần như không có lựa chọn thay thế.

ByteDance sẽ có thêm một tháng để đàm phán với các công ty Mỹ muốn mua lại TikTok. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, thuật toán là thứ giúp TikTok giữ chân người dùng, nên nếu không có thuật toán, khó có công ty nào dám mạo hiểm mua lại.

Như Phúc (theo Telegraph)

Nguồn