Thủ khoa Học viện Cảnh sát Nhân dân được phong hàm vượt cấp

[ad_1]

Với GPA 3.76/4.0 cùng nhiều danh hiệu trong 4 năm học tại Học viện Cảnh sát Nhân dân, Nguyễn Nhật Linh trở thành thủ khoa đầu ra, được phong hàm Trung úy.

Khoảnh khắc đại diện hơn 430 học viên Việt Nam và Lào niên khoá 2017-2021 phát biểu trong lễ tốt nghiệp diễn ra cách đây một tuần là kỷ niệm đáng nhớ cuối cùng trong thời sinh viên của Nhật Linh. Dù trước đó đã nhiều lần phát biểu ở các sự kiện lớn nhỏ, còn từng đoạt giải nhất một cuộc thi hùng biện tiếng Anh, cô gái quê Thạch Hà, Hà Tĩnh, vẫn hồi hộp trong giây phút gửi lời tri ân tới thầy cô, bạn bè cùng khoá.

“Đó là những giây phút khiến em luôn tự hào khi được là học viên chuyên ngành Điều tra tội phạm trật tự xã hội của Học viện Cảnh sát Nhân dân”, Linh nói.

Trong lễ tốt nghiệp, Linh cùng 3 bạn khác được phong hàm Trung úy, vượt một cấp so với hầu hết học viên tốt nghiệp hệ đại học chính quy các trường khối Công an nhờ kết quả tốt nghiệp loại xuất sắc. Em cũng trở thành thủ khoa đầu ra của niên khoá 2017-2021, là một trong gần 90 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội năm nay.

Nguyễn Nhật Linh là học viên khoá D43 Việt Nam của Học viện Cảnh sát nhân dân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Nhật Linh là học viên khoá D43 Việt Nam của Học viện Cảnh sát Nhân dân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vốn là học sinh chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Tĩnh, đạt 7,5 IELTS từ lớp 11, Nhật Linh đăng ký nguyện vọng 1 ở kỳ tuyển sinh đại học năm 2017 vào Học viện Cảnh sát Nhân dân. Dù không ai trong gia đình làm trong ngành, em vẫn được bố mẹ ủng hộ.

Đạt tổng điểm xét tuyển 29,25, trong đó 27,25 là điểm thi 3 môn và 2 điểm cộng nhờ giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh và điểm ưu tiên khu vực, Linh vỡ oà sung sướng khi ước mơ được phục vụ trong lực lượng Công an Nhân dân thành hiện thực.

Thời gian đầu trong môi trường học tập “nghiêm khắc”, nữ sinh gần như không theo kịp khung thời gian kỷ luật và cường độ rèn luyện thể lực. “Mỗi sáng thức dậy lúc 5h để tập thể dục, dọn vệ sinh khuôn viên trường, sau đó về ký túc xá dọn dẹp trật tự nội vụ, đi ăn sáng ở bếp ăn tập thể rồi điểm danh lên lớp. Nó khác hoàn toàn với những buổi sáng ngủ dậy ăn vội cái bánh mỳ rồi đi học thời cấp 3 của em”, Linh nói.

Mỗi ngày, bên cạnh nền nếp sinh hoạt buổi sáng và việc học tập, học viên còn tham gia trực gác, tập điều lệnh, hoạt động văn nghệ – thể thao. Ở mọi hoạt động, không có sự khác biệt đáng kể nào giữa học viên nam và nữ khiến 10% học viên nữ của trường, trong đó có Linh, phải cố gắng hơn rất nhiều, nhất là ở những hoạt động yêu cầu thể lực.

Linh và các bạn nữ thường được gọi là “những bông hồng thép”. Em thích biệt danh đó và luôn lấy nó làm động lực trong mọi nhiệm vụ. Từ thời gian huấn luyện điều lệnh đầu khóa, những môn thể chất, bắn súng, võ thuật, Linh đều vượt qua, dù phải đổ rất nhiều mồ hôi và cả nước mắt. Với em, những bài tập đó là cơ hội để phá bỏ giới hạn bản thân, biến mình từ một cô gái yếu đuối trở nên can trường, thành “bông hồng thép” như cách mọi người vẫn gọi.

Nhật Linh phát biểu tại Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2019. Em là sinh viên tích cực trong các hoạt động đoàn, hội, câu lạc bộ tại trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhật Linh phát biểu tại Đại hội Đoàn Thanh niên Học viện Cảnh sát Nhân dân năm 2019. Em là sinh viên tích cực trong các hoạt động đoàn, hội, câu lạc bộ tại trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bước vào năm cuối, theo học chuyên ngành Điều tra tội phạm trật tự xã hội, Linh được học nhiều kiến thức thú vị và tiếp cận những công nghệ cao. Em thường cố gắng nhớ ý chính và nắm chắc bản chất mỗi bài học, đồng thời tìm hiểu những vụ án có tính chất nghiêm trọng, các bản án, các bình luận luật để cải thiện tư duy.

9X Hà Tĩnh còn tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ cho đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có những phương thức thủ đoạn mới. Em từng đoạt giải nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên Cảnh sát châu Á IUCP lần thứ 6 năm 2020 với đề tài “Dấu hiệu của nạn nhân bị bắt nạt trực tuyến trong thanh thiếu thiên Việt Nam”.

Nhật Linh cũng từng đạt nhiều thành tích ở các cuộc thi khác về học thuật như giải nhất Olympic Luật Tố tụng hình sự, giải nhì Olympic Tiếng Anh dành cho sinh viên không chuyên toàn quốc, cùng nhiều danh hiệu như Phụ nữ công an tiêu biểu năm 2019, Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương năm 2020 nhờ những đóng góp vào các hoạt động của trường và của ngành.

Em còn được tham gia khoá tập huấn ngắn hạn tại Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, làm sĩ quan liên lạc phục vụ Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN lần thứ 6 về vấn đề ma túy năm 2018 hay Hội nghị ba bên/song phương cấp Bộ trưởng Việt Nam – Lào – Campuchia về hợp tác phòng, chống ma tuý năm 2019.

Nhật Linh (phải) trả lời câu hỏi phản biện đề tài trong cuộc thi Nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên Cảnh sát châu Á do Đại học Cảnh sát Hàn Quốc tổ chức năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhật Linh (phải) trả lời câu hỏi phản biện đề tài trong cuộc thi Nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên Cảnh sát châu Á do Đại học Cảnh sát Hàn Quốc tổ chức năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Do khối lượng công việc học tập và nghiên cứu, trực gác, hoạt động đoàn thể nhiều, Linh phải áp dụng nhiều cách để cân bằng được thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Em thường sử dụng sổ tay cá nhân để ghi chép lại danh sách việc cần hoàn thành trong ngày và trong tuần, tuân thủ “deadline” (hạn chót) do mình tự đề ra. Mỗi khi căng thẳng, Linh tập yoga để cân bằng lại năng lượng trong cơ thể.

Tân Trung uý có một câu châm ngôn yêu thích là “Knowing is not enough, we must apply. Willing is not enough, we must do” (Biết thôi chưa đủ mà còn phải áp dụng. Có ý muốn thôi cũng chưa đủ mà còn phải thực hiện). Vì vậy, em luôn cố gắng thực hiện mọi thứ mong muốn.

Tại lễ trao bằng tốt nghiệp và phong hàm sĩ quan Cảnh sát Nhân dân cho học viên khoá D43 Việt Nam và D30, D31 Lào hôm 15/10, Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân, bày tỏ hy vọng các học viên khi ra trường, trở về đơn vị, địa phương công tác, tiếp tục phát huy truyền thống của trường, trở thành cán bộ chiến sĩ công an vững về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Hy vọng của thầy cũng là mong muốn của Linh. “Trong thời gian tới, em sẽ tiếp tục học tập, tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao trình độ nghiệp vụ để có thể trở thành một cán bộ điều tra, một điều tra viên giỏi trong tương lai”, Linh nói.

Điều 22 Luật Công an nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 quy định sinh viên, học sinh hưởng sinh hoạt phí tại trường Công an nhân dân, khi tốt nghiệp được phong cấp bậc hàm như sau:

Đại học: Thiếu úy.

Trung cấp: Trung sĩ.

Sinh viên, học sinh tốt nghiệp xuất sắc được phong cấp bậc hàm cao hơn một bậc.

Dương Tâm