Thịt heo đắt đỏ, chị em đau đầu tính toán thực phẩm tết

Còn một tháng nữa mới đến tết Nguyên đán, nhưng chuyện thịt heo tăng giá cao ngất ngưởng khiến cho các bà nội trợ lo lắng.

Xưa nay nhiều gia đình quan niệm: quanh năm đã vất vả lo lắng nhiều rồi, vậy nên mấy ngày tết chi tiêu mua sắm thoải mái một chút, có thiếu hụt thì ra Giêng lại tiếp tục cày cuốc bù vào. Tuy nhiên chuyện trong những ngày gần đây khiến cho nhiều gia đình không khỏi lo lắng. Thậm chí phải cân nhắc lại chuyện mua sắm thực phẩm tết sao cho hợp lí.

Nhà anh Thành lâu nay thường tìm mua heo dưới quê, cùng hai ba gia đình nữa chung nhau thuê mổ, rồi gửi thịt theo xe lên thành phố để ăn dần. Thế nhưng những ngày này thịt heo hơi ở quê đã “phi mã” cán mốc 90.000đ/kg nên mấy gia đình đành ngậm ngùi dừng ăn thịt heo. Ngó nghiêng trong các siêu thị, liếc mắt cũng thấy giá niêm yết của thịt heo ngang ngửa, thậm chí còn nhỉnh hơn giá thịt bò.

Thit heo dat do, chi em dau dau tinh toan thuc pham tet
Thịt heo tăng giá, đã ảnh hưởng đến bữa ăn của nhiều gia đình Việt. Ảnh minh hoạ 

Chị Hằng, vợ anh Thành ở Long An chia sẻ: “Từ ngày thịt heo tăng giá, nhà chị chuyển qua các thực phẩm khác hợp lí giá cả hơn. Nhưng thằng con vốn chỉ ăn thịt heo, bữa nào nó cũng cằn nhằn…”.

Trên một nhóm kín của hội chị em, mọi người đang rất rôm rả với chủ đề này. Nào là bữa cơm cúng gia tiên ngày tết làm sao mà thiếu thịt heo. Nào là món canh cần xương heo để hầm; chả giò và khổ qua cần thịt bằm; thịt kho trứng thì cần ra rọi, thịt đùi; món măng hầm giò heo nếu không có heo sao mà nấu? Còn cả trăm món ngon cổ truyền khác làm sao mà thiếu thịt heo đây. Không lẽ lại chỉ ăn bánh chưng nhân đậu, bánh tét nhân chuối và “cai” luôn chả các loại?

Nhiều người hiến kế, có thể thay thế bằng thịt gà, thịt bò, giảm những món ăn từ thịt heo đi. Nhưng điều ấy đâu dễ. Ví như bọn trẻ trong nhà, chúng thường không thích ăn cá. Thịt bò thì đắt, lâu nay vốn chỉ để đổi món chứ đâu thể ăn trường kỳ được. Thịt gà thì mau ngán, chế biến cũng được ít món, không thể nào thay thế được thịt heo. 

Cũng có người cho rằng nhiều gia đình vẫn còn chịu ảnh hưởng của thời bao cấp, nên tết mua sắm, tích trữ đồ ăn nhiều, rất lãng phí. Các gia đình sau tết vẫn còn chồng chất đồ ăn trong tủ lạnh. Vậy thì tết chỉ nên sắm vừa phải, phù hợp với túi tiền của bà nội trợ thôi.

Tuy nhiên trong vai trò dâu trưởng, chị Liên (Biên Hoà, Đồng Nai) than rằng: Nhà chị cứ tết là anh em, con cháu lại tập hợp đủ đầy. Chồng chị có ba anh em, chồng chị là con trưởng, tết mọi người về cả mình ăn tết, không thể cơm nước sơ sài, lại mang tiếng con dâu “keo kiệt”. Những ngày này, chị mua ít thịt lợn đi, ba mẹ chồng đã thắc mắc, vì người già không thích thịt bò, cũng không thích thịt gà…

Chị giải thích thịt lên giá nên phải cân đối chi tiêu, nhưng ba mẹ chồng chị tỏ ý không hài lòng. Chồng chị cũng giận lây, nói đáng bao nhiêu đâu mà chắt bóp tiền nong quá quắt. Nhưng, các ông có đi chợ như phụ nữ đâu mà thông cảm cái tâm lý đi chợ về là tính tính toán toán, đếm đi đếm lại số tiền thừa, cảm giác cứ như bị mất trộm…

Khi nguyên liệu chính để chế biến những món ăn hàng ngày bỗng nhiên lên giá ầm ầm, với những người đảm trách việc bếp núc, đó cũng một bài toán “khéo co thì ấm” thật cần sự sáng tạo. Nhưng sáng tạo tới mức nào cho cỗ bàn dịp tết thì vẫn là một ẩn số…

Theo Đinh Hương/Phunuonline

VietBao.vn



Nguồn