Thí sinh tính thức đêm canh điểm thi tốt nghiệp THPT

[ad_1]

Tính thử điểm chấp chới mức trúng tuyển Đại học Ngoại thương năm trước, Đỗ Thị Hoài Ngọc thấp thỏm chờ điểm chính thức.

Thi xong tốt nghiệp THPT, Hoài Ngọc (trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) bỏ thói quen thức tới 2h sáng học bài. Nhưng hôm nay, em phải thức khuya bởi đúng 0h ngày 26/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT.

“Em rất hồi hộp, chắc chắn không thể ngủ nổi, nhưng cũng không dám trực tiếp xem vì sợ đau tim. Em đã nhờ chị gái tra hộ, nhưng vẫn phải thức để nghe báo tin và tra lại ở nhiều kênh cho yên tâm”, Ngọc nói. Hồi thi vào lớp 10, Ngọc không trải qua cảm giác hồi hộp như vậy. Phần vì kỳ thi tốt nghiệp THPT mang ý nghĩa quan trọng, là kết quả của 12 năm học, phần vì em đặt kỳ vọng quá cao nên dễ bị thất vọng nếu không đạt được số điểm mong muốn.

Đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Kinh tế quốc tế của Đại học Ngoại thương, nếu trường lấy điểm chuẩn như năm ngoái, Ngọc cần đạt 27,5 mới trúng tuyển. Sau khi Bộ công bố đáp án chính thức, nữ sinh áng chừng Toán đạt 8,4, Tiếng Anh 9,8. Riêng Ngữ văn, em không dám dự đoán vì kinh nghiệm cho thấy đôi khi cảm thấy làm được bài nhưng điểm không cao.

Ngọc nhẩm tính nếu Văn đạt 8, em sẽ được hơn 26, còn nếu đạt 9 sẽ được hơn 27, cộng với điểm ưu tiên khu vực thì “may ra đỗ”. Nữ sinh hy vọng không tô nhầm câu nào so với phương án đã khoanh vào đề để đem về so. “Đêm nay chắc chắn là đêm không ngủ với không chỉ riêng em mà nhiều bạn dự kỳ thi này. Nếu không đạt điểm như mong muốn, sự thất vọng và suy nghĩ về việc đổi nguyện vọng sẽ còn kéo dài đến sáng”, Ngọc nói.

Giống như Ngọc, Nguyễn Tuấn Việt (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng thấp thỏm đợi điểm đến mức phải thốt lên “Em mong hơn cả 30 Tết”.

Đăng ký vào ngành Y khoa, Đại học Y Hà Nội, Việt đặt mục tiêu ba môn Toán, Hóa, Sinh đạt 9-10 điểm. Do không cầm đề môn Hóa về, nam sinh không thể so với đáp án của Bộ. Nhưng theo tính toán, phải được 9 điểm, em mới đạt tổng 26. Khả năng đỗ ngành mong muốn rất thấp do năm ngoái ngành này lấy tới 28,9 điểm. “Em mong tính toán của em sai lệch theo hướng tăng điểm. Nếu không cũng cần đạt ít nhất 26 điểm để dễ tính phương án đổi nguyện vọng”, Việt nói.

Chỉ biết 0h Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố điểm nhưng không biết liệu có nghẽn mạng không, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công bố luôn khi đó để có kênh tra cứu khác không hay địa phương này có trước, địa phương kia có sau, nam sinh càng thêm hồi hộp. Em dự định xem phim, nói chuyện với bạn bè vào buổi tối để bớt căng thẳng.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Tại TP HCM, nơi ghi nhận hơn 58.000 ca Covid-19, nhiều ngày nay Lê Anh Tuấn (TP Thủ Đức) không ra ngoài. Phải ở nhà cả ngày kèm theo sự mong ngóng điểm thi tốt nghiệp THPT, Tuấn tỏ ra lo lắng. Em cùng 5 bạn thân trong lớp lập nhóm chat bàn về điểm thi. Nhóm tổ chức một trò chơi nhỏ, mỗi thành viên phải tự chấm điểm các bài thi tốt nghiệp vừa qua bằng đáp án chính thức, sau đó dự đoán số điểm đạt được từng môn.

“Khi Bộ công bố điểm, ai có tổng số điểm chênh lệch nhiều nhất sẽ thua cuộc, phải khao nhóm một chầu cà phê khi thành phố hết Covid-19, không còn giãn cách xã hội”, Tuấn chia sẻ. Đêm nay, em và nhóm bạn sẽ cùng thức để canh.

Tuấn đăng ký xét tuyển ngành Công nghệ thông tin vào hàng loạt đại học, cao nhất là trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP HCM), Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Đã trúng tuyển vào hai trường đại học ngoài công lập theo phương thức xét kết quả học tập THPT, nhưng Tuấn chưa ưng ý, kỳ vọng vào điểm thi lần này để đạt được mục tiêu vào trường top đầu.

Tự chấm bài thi, Tuấn dự đoán được 9 Toán; Lý và Hóa khoảng 8,5-9; Tiếng Anh 6-7; Văn 6 điểm. “So với điểm chuẩn tổ hợp Toán, Lý, Hóa ngành Công nghệ thông tin của Đại học Công nghệ thông tin năm ngoái, mức điểm này chưa chắc đã đậu. Với một số trường công lập ở top giữa thì khả năng đậu khá chắc. Em hy vọng điểm chính thức sẽ cao hơn”, Tuấn chia sẻ. Em sẽ điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi, chọn một số ngành gần có điểm chuẩn hàng năm thấp hơn để nắm chắc khả năng trúng tuyển vào trường yêu thích.

Trong khi nhiều thí sinh canh điểm trong lo lắng, một số sĩ tử khác tỏ ra thoải mái vì không phải phụ thuộc quá nhiều vào điểm thi để xét tuyển đại học, như Hứa Ngọc Hoàng Khuyên (quận Tân Phú). Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Khuyên đã sớm trúng tuyển ngành Truyền thông đa phương tiện, Đại học Công nghệ TP HCM nhờ phương thức xét kết quả học bạ.

Khuyên ôn bài khá nhẹ nhàng các môn Toán, Văn, Tiếng Anh và tổ hợp Khoa học xã hội với mục tiêu đạt được điểm trung bình khá các môn để tốt nghiệp THPT. Khuyên cũng tự chấm theo đáp án và tự tin đạt 7 điểm môn Toán, Văn và Tiếng Anh 6-7, Địa lý và Giáo dục công dân 7,5-8,5 điểm, Sử trên 6.

“Mục tiêu của em là tốt nghiệp THPT, thi xong thì em càng tự tin hơn với mục tiêu này nên không quá căng thẳng chờ điểm. Em sẽ không thức khuya canh điểm, đợi sáng mai xem cũng được”, Khuyên nói.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 diễn ra vào ngày 7-8/7 với gần 981.800 thí sinh dự thi. Đúng 0h ngày 26/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố kết quả thi đợt này. Ngoài các trang tra cứu điểm thi của Bộ và địa phương, thí sinh có thể truy cập trang tra cứu điểm thi của VnExpress tại địa chỉ https://diemthi.vnexpress.net.

Ở địa chỉ này, các em cũng sẽ được gợi ý nhóm ngành, trường năm ngoái lấy điểm ở mức tiệm cận hay xem phổ điểm, top thí sinh điểm cao nhất ở từng môn, từng tỉnh, thành, phổ điểm từng môn và từng địa phương.

Dương Tâm – Mạnh Tùng

[ad_2]