‘Thí sinh không nên đổ xô vào các ngành cạnh tranh cao’

[ad_1]

Ngày 28/7, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trả lời báo chí về tuyển sinh đại học 2021 với dự đoán điểm chuẩn tăng.

– Với phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, bà dự kiến điểm chuẩn đại học năm sẽ như thế nào?

– Điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT của các trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Điểm thi, chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào một ngành hoặc chương trình đào tạo.

Như thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tăng ở nhiều môn thi. Trong đó, số lượng bài thi đạt điểm cao tăng thêm khá nhiều ở các môn tiếng Anh, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Sinh học…

Năm nay, nhiều đại học đã dành chỉ tiêu tương đối cho các phương thức khác như xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế… Điều này khiến tỷ lệ xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm nhất định. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến điểm xét tuyển vào đại học năm nay có thể nhỉnh hơn các năm trước.

– Thí sinh cho rằng mức độ khó – dễ quá chênh lệch giữa các môn trong tổ hợp sẽ gây khó khăn trong việc đổi nguyện vọng, bà đánh giá thế nào về điều này?

– Quy định xét tuyển của từng đại học rất đa dạng và nhiều lựa chọn. Các trường đều dành chỉ tiêu cho từng tổ hợp xét tuyển trong một ngành, một số trường quy định chi tiết độ lệch điểm giữa các tổ hợp. Vì vậy, rất khó có một định hướng chung cho việc lựa chọn tổ hợp nào để ưu tiên đăng ký xét tuyển.

Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh hiện hành cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng (mỗi tổ hợp vào một ngành là một nguyện vọng). Các trường căn cứ vào điểm từ cao xuống thấp để xét tuyển chứ không căn cứ vào thứ tự nguyện vọng, trừ trường hợp có nhiều thí sinh cùng mức điểm ở cuối danh sách.

Do đó, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng nhiều tổ hợp vào một ngành. Để có lợi thế, các em nên lựa chọn những tổ hợp có môn thi mình đạt điểm cao khi tham gia xét tuyển.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Dương Tâm

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Dương Tâm

– Thí sinh được nhiều nguyện vọng xét tuyển như vậy thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sẽ kiểm soát tình trạng “thí sinh ảo” như thế nào?

– Từ năm 2017, khi quyết định cho thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng và phương thức xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống xét tuyển và lọc ảo chung toàn quốc. Chủ trì nhóm xét tuyển lọc ảo phía Bắc là Đại học Bách khoa Hà Nội, phía Nam là Đại học Quốc gia TP HCM.

Theo quy chế, các trường phải nhập thông tin hoặc danh sách thí sinh đã trúng tuyển và nhập học lên hệ thống (năm 2019 là 30.000, năm 2020 là 70.000) để những em này không tham gia xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Trên thực tế, một thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành khác nhau, nhưng qua hệ thống lọc ảo chung, thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất vào một đại học với nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể.

– Nhiều thí sinh chưa dự thi tốt nghiệp đợt 1 lo lắng sẽ không được xét vào trường top vì đợt 1 các trường tuyển xong. Bộ có phương án nào giúp thí sinh?

– Qua thống kê, khoảng 26.000 thí sinh chưa dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang hướng dẫn các trường điều chỉnh kế hoạch và đề án tuyển sinh, nhằm giúp những thí sinh thi đợt 2 đủ thời gian điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, còn các trường sẽ xét tuyển cho mọi thí sinh cùng một đợt.

Mặt khác, các trường cũng xét tuyển bằng nhiều phương thức nên thí sinh hoàn toàn yên tâm để thi và xét tuyển vào các trường như dự kiến.

– Bà dành lời khuyên gì với thí sinh xét tuyển đại học năm nay?

– Quy chế tuyển sinh hiện hành cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, được đổi nguyện vọng ba lần trong thời gian quy định. Nếu muốn tăng nguyện vọng, các em phải điền vào mẫu và nộp lệ phí tương ứng tại địa điểm nhận hồ sơ ban đầu. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào nhiều trường với các phương thức khác nhau, nhưng chỉ xác nhận và nhập học vào một ngành và một trường duy nhất.

Để tránh việc điểm thi cao vẫn không đỗ nguyện vọng nào, hoặc trúng vào nguyện vọng không yêu thích, các em cần ưu tiên đưa nguyện vọng mong muốn và khó trúng tuyển lên trên. Để đảm bảo an toàn, thí sinh nên ưu tiên các ngành, tổ hợp xét tuyển có điểm trúng tuyển các năm trước thấp hơn hoặc bằng với điểm của mình.

Ngoài ra, các em phải xem xét kỹ điều kiện xét tuyển của các trường gồm yêu cầu sơ tuyển, chứng chỉ ngoại ngữ, vùng tuyển, điểm thi năng khiếu…, tránh việc đủ điểm chuẩn, nhưng lại thiếu điều kiện nên vẫn trượt.

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm trước, một số em đạt 25-26 điểm vẫn có thể không trúng tuyển đại học nếu không cân nhắc, nghiên cứu kỹ khi lựa chọn nguyện vọng. Câu này chúng tôi cũng đã chia sẻ nhiều lần: Thí sinh không nên chủ quan với điểm mình đạt được mà đổ xô vào những ngành cạnh tranh cao của các trường.

Khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần cân nhắc nhiều yếu tố, không chỉ vì thấy điểm của mình bằng điểm chuẩn ngành này năm trước, chủ quan không có các lựa chọn an toàn khác. Sở dĩ, điểm cao năm nay là cao trên mặt bằng chung, không phải cá biệt một số thí sinh.

Hiện nay, nhiều thí sinh đã trúng tuyển ở các phương thức khác nhưng có em vẫn đang lưỡng lự giữa việc xác nhận nhập học hay chờ xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này khiến các em dễ mất cơ hội trúng tuyển vì điểm chuẩn năm nay có thể sẽ tăng lên như đã phân tích ở trên.

Bên cạnh đó, những em điểm cao thì nên bổ sung nguyện vọng, có thể chọn một ngành yêu thích nhưng ở nhiều trường để tăng cơ hội trúng tuyển.

Thanh Hằng

Tra cứu điểm thi THPT quốc gia 2021

[ad_2]