Thầy cô nấu hơn 1.000 suất ăn mỗi ngày gửi tặng bác sĩ

[ad_1]

TP HCMVần được số xoong, nồi, chảo to và nặng ra chỗ rửa, cô Hiền cảm giác hụt hơi, chưa từng tưởng tượng công việc phụ bếp lại vất đến thế.

Cô Huỳnh Thị Thanh Hiền, quê Đồng Nai, là giáo viên khối mầm non trường Tuệ Đức. Từ ngày 1/8, cô tham gia bếp tiếp sức tuyến đầu ở chi nhánh Lương Định Của, quận 2. Cứ 4h mỗi ngày, bếp nổi lửa nấu ăn, phục vụ hai bữa sáng, trưa với 1.190 suất.

Ở khu sơ chế, cô Hiền cùng đồng nghiệp rửa rau rồi vào sắp xếp hộp đựng đồ. Mọi công đoạn được phối hợp nhịp nhàng, khoa học và tốc độ để 6h kém, hàng trăm bữa sáng được chuyển tới Bệnh viện Hồi sức Chợ Rẫy, Bệnh viện Hồi sức 115 và Bệnh viện Dã chiến Quận 4.

Cô Hiền (áo vàng) cùng đồng nghiệp đóng rau, canh để chuẩn bị gửi bữa trưa tới các y bác sĩ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Hiền (áo vàng) cùng đồng nghiệp chuẩn bị rau, canh để gửi bữa trưa tới y bác sĩ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Xong bữa sáng, cô Hiền tiếp tục chia cơm, rau, đồ ăn và buộc vài trăm túi canh cho bữa trưa chuyển đến Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Quận 4, Trung tâm Y tế dự phòng Quận 4 và Bệnh viện Dã chiến Quận 4.

Hoàn thành hai bữa trong ngày, các cô lại chuẩn bị thực phẩm cho hôm sau đến 20h mới nghỉ. Công việc bận rộn, khiến họ không lúc nào ngơi tay, có khi quên cả uống nước.

Biết cô Hiền đi tình nguyện, ba mẹ ở quê phản đối vì trường sát Bệnh viện Dã chiến Thủ Thiêm, lo lây nhiễm bệnh. “Nhưng tôi nghĩ mình may mắn vì được tiêm vaccine, lại có sức khỏe, cần góp sức chống dịch”, cô Hiền giải thích.

Nghĩ lần này cũng giống bao lần tình nguyện khác, cô hăm hở vác balo đến trường. Nhưng khi bắt tay vào thực tế, cô giáo mầm non sốc. Vốn sợ dao lại không giỏi nấu nướng, cô ít khi vào bếp.

Những ngày đầu, cô Hiền lóng ngóng không biết cách gọt rau củ sao cho nhanh nên không ít lần bị đứt tay, nồi xoong rơi vào chân bầm tím. Tiếp xúc nhiều với nước rửa bát, chân, tay cô bị nứt nẻ, ngứa ngáy. Sau tuần đầu bỡ ngỡ, cô quen dần các kỹ năng nhờ được đồng nghiệp chỉ dạy. Trực tiếp làm bếp, cô Hiền thấu hiểu và thương nhân viên bếp ăn của trường.

Các hộp cơm, sau khi đã được vào đồ ăn, sẽ được dán thêm bên ngoài những thông điệp động viên tinh thần do chính tay học sinh, phụ huynh và giáo viên nhà trường làm. Ảnh: Trường Tuệ Đức

Các hộp cơm sẽ được dán thêm bên ngoài thông điệp động viên tinh thần y bác sĩ. Ảnh: Trường Tuệ Đức

Cô giáo trẻ cho hay công việc mệt nhọc nhưng ai nấy đều vui, cảm nhận được sự quan tâm, đùm bọc nhau như một gia đình. Các giáo viên từ nhiều chi nhánh chưa từng biết nhau, nay cùng tham gia công việc ý nghĩa. Hôm nào sơ chế ít và được nghỉ sớm, thầy cô ra sân đá cầu, chơi cầu lông và đá bóng. Tối đến, mọi người nấu nước gừng, xả ngâm chân thư giãn, pha nước chanh chăm sóc nhau.

“Tham gia công việc này, tôi được nhiều hơn mất, trưởng thành hơn, học được bao kỹ năng, biết quan tâm người khác và hiểu hơn đồng nghiệp của mình”, cô Hiền chia sẻ.

Nhóm phụ bếp có 9 giáo viên trẻ, chưa lập gia đình. Không ít thầy cô còn huy động cả người thân, như gia đình thầy Thiện có thêm anh trai và mẹ tham gia. Những người làm ở bếp nấu sẽ ăn, ngủ, nghỉ tại trường theo tinh thần 3 tại chỗ, không ra ngoài để đảm bảo an toàn. Nếu có việc, thầy cô sẽ được test nhanh khi trở lại. Các giáo viên làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân viên bếp nấu, còn chuyển đồ ăn tới bác sĩ sẽ do một đội khác đảm nhiệm.

Bếp tiếp sức tuyến đầu do thầy Nguyễn Tiến Danh, quản lý vận hành cụm trường – Hệ thống trường Tuệ Đức, khởi xướng từ tháng 6 và chịu trách nhiệm chính huy động các nguồn lực xã hội. Thầy sẽ liên hệ với các bệnh viện để biết được nhu cầu và số lượng bữa ăn rồi báo bếp.

Nhà trường sử dụng nguồn thực phẩm chính từ nhà cung cấp trong năm học. Ngoài ra, bếp cũng được nhiều mạnh thường quân quyên góp gạo, rau, củ, quả. Bếp sẽ lên thực đơn đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, chất xơ và tinh bột. Trung bình hai tuần một lần, bếp quay lại món một lần để y bác sĩ ngon miệng.

Bữa sáng luôn là các món có nước như bún, phở, hủ tiếu bởi khi đã vào ca và mặc đồ bảo hộ, các bác sĩ tránh uống nước, không đi vệ sinh. Kết thúc ca làm mới là thời điểm họ nạp nước qua đồ ăn. Mỗi hộp đồ ăn gửi đi luôn dán thông điệp động viên tinh thần y bác sĩ do chính tay giáo viên, phụ huynh và học sinh của trường thực hiện.

Xong hai bữa sáng chiều, các giáo viên trường Tuệ Đức tiếp tục đi chợ, vào kho kiểm tra rau, củ, thực phẩm để chuẩn bị nấu cho ngày hôm sau. Ảnh: Trường Tuệ Đức

Xong hai bữa sáng chiều, các giáo viên trường Tuệ Đức tiếp tục vào kho kiểm tra rau, củ, thực phẩm để chuẩn bị nấu cho ngày hôm sau. Ảnh: Trường Tuệ Đức

Hiện bếp có 14 người tham gia, trong đó có bếp trưởng của các trường trong hệ thống, giáo viên đang nghỉ dịch và cả nhân viên kỹ thuật hàng ngày chăm sóc cho ngôi trường. Các thành viên phải tiêm tối thiểu một mũi vaccine và ba ngày một lần được test nhanh để phân loại tình trạng sức khỏe. Tình nguyện viên sẽ ở tại trường đến hết 10 ngày theo giai đoạn và trước ngày thứ bảy sẽ đăng ký tham gia tiếp. Hầu hết mọi người tình nguyện ở lại lâu dài.

Theo thầy Danh, văn hóa nhà trường dựa trên 3 gốc đạo đức – trí tuệ – nghị lực và gốc đạo đức luôn được nhà trường đề cao. Dựa trên tinh thần và nguồn lực có sẵn, nhà trường quyết định biến bếp ăn hàng ngày phục vụ các con thành bếp tiếp sức tuyến đầu. Đây cũng là cơ hội để thầy cô trong trường cùng thực tập hạnh cho đi và phụng sự cộng đồng.

Bếp thành lập với mong muốn tiếp thêm những bữa ăn trọn vẹn hơn cho đội ngũ tuyến đầu. Khi bác sĩ khỏe, họ sẽ chăm sóc được cho nhiều bệnh nhân khác. “Nhận được phản hồi từ các y bác sĩ: ‘Nhìn hộp cơm đậm đà quà’, ‘Chỉ nhìn dòng chữ viết đã đủ no rồi’ hay ‘Chúng tớ phải khỏe vì hậu phương có các bạn’, chúng tôi được tiếp thêm năng lượng”, thầy Danh tâm sự.

Bình Minh

[ad_2]