Tham vọng tự chủ bán dẫn của Trung Quốc gặp khó

[ad_1]

Ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc hiện đối mặt với tình trạng thiếu nhân tài khoa học kỹ thuật, khiến tham vọng tự chủ gặp khó khăn.

“Nếu công nghệ thúc đẩy sự đổi mới, thì con người là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ”, chuyên gia Zhang Wei thuộc Đại học Phúc Đán phát biểu tại hội nghị về vi mạch tích hợp ở thành phố Nam Kinh hôm 18/10. “Trình độ của con người sẽ quyết định sức mạnh”.

Một công nhân của Jiejie Semiconductor kiểm tra chip tại nhà máy ở Giang Tô ngày 17/3. Ảnh: AFP

Một công nhân của Jiejie Semiconductor kiểm tra chip tại nhà máy ở Giang Tô ngày 17/3. Ảnh: AFP

Thực tế, vấn đề lớn nhất của Trung Quốc trên con đường tự chủ bán dẫn là đội ngũ nhân lực không theo kịp tham vọng của quốc gia. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Tài chính Giáo dục nước này, sự thiếu hụt nhân tài trong ngành bán dẫn đã tăng gấp đôi, từ 150.000 người năm 2015 lên 300.000 người vào 2019.

Trong khi đó, báo cáo của ngân hàng đầu tư quốc tế China International Capital Corporation (CICC) chỉ ra, vấn đề nhân lực bán dẫn không phải ở số lượng mà là chất lượng. Thống kê cho thấy, các kỹ sư được đào tạo ở mảng này vẫn còn rất trẻ, đồng nghĩa với việc thiếu các nhà lãnh đạo trong ngành, nhất là lĩnh vực sản xuất chip.

Những năm qua, số lượng chuyên gia làm trong ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đã tăng lên nhờ chính sách thu hút nhân tài của chính phủ. Những người này luôn được hỗ trợ an sinh xã hội tốt nhất cùng mức lương đáng mơ ước. CICC cho biết, trong năm 2016, chi phí cho họ (gồm đầu tư trực tiếp và miễn giảm thuế R&D) chiếm tới 0,12% GDP Trung Quốc.

Theo CICC, trước năm 2015, rất khó tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành bán dẫn từ các đại học danh tiếng như Thanh Hoa, Bắc Kinh, Phúc Đán hay Giao thông vận tải Thượng Hải. Sinh viên tốt nghiệp ngành vi điện tử và truyền thông thường chọn các công ty Internet thay vì doanh nghiệp liên quan đến chip.

Tính đến cuối 2019, Trung Quốc có 510.000 người làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn, tăng 11% so với cùng kỳ 2018, trong đó 350.000 người tham gia trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế hoặc sản xuất chip. Con số này áp đảo so với mức 280.000 chuyên gia trong cùng lĩnh vực tại Mỹ. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của các đại học Mỹ lại cao hơn hẳn với những chuyên gia hàng đầu.

“Trung Quốc không thiếu nhân tài trong lĩnh vực thiết kế bán dẫn, các chuyên gia tại HiSilicon của Huawei là ví dụ. Họ có khả năng đe dọa sự thống trị của Mỹ”, Peng Hu, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của CICC, nhận xét. “Nhưng Trung Quốc lại thiếu nhân tài ở lĩnh vực sản xuất, những người thợ lành nghề và lâu năm. Những ai làm việc dưới 20 năm khó có thể thành thạo mọi thứ”.

Thực tế, quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang tìm cách tăng chất lượng nguồn lực ngành bán dẫn để sớm thực hiện mục tiêu tự chủ. Tháng 8/2020, tức ba tháng sau khi Mỹ đưa nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách thực thể, Bắc Kinh đã ban hành chính sách Số 8 nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn thông qua ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cùng các chương trình đào tạo tốt hơn. Nước này cũng kêu gọi đưa nghiên cứu chất bán dẫn trở thành một ngành học trong chương trình đào tạo đại học. Vào tháng 4 và tháng 7 năm nay, Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh lần lượt thành lập khoa đào tạo mạch tích hợp.

Tuy vậy, các chuyên gia nhận định trường học là nền tảng cho việc giảng dạy các ý tưởng và lý thuyết, nhưng khó cung cấp các kỹ năng thực hành cần thiết. “Chúng tôi cần các doanh nghiệp huấn luyện những người giỏi nhất. Trường học không phải là nơi tốt nhất để dạy thực hành”, Richard Chen, kỹ sư chuyên về sản xuất tấm wafer của Đài Loan và đang làm việc tại Trung Quốc, cho biết.

Một giải pháp khác mà Trung Quốc đang thực hiện là đưa các kỹ sư của mình ra nước ngoài đào tạo. Tuy vậy, đây lại là nguyên nhân chảy máu chất xám. Nhiều người được cử đi học đã không quay lại phục vụ đất nước do mức lương thấp và chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn.

Bảo Lâm (theo SCMP)

[ad_2]