SpaceX đưa 32.000 máy tính Linux vào vũ trụ

Kỹ sư của SpaceX tiết lộ mỗi vệ tinh Starlink trung bình sẽ mang theo hàng chục máy tính chạy hệ điều hành Linux lên quỹ đạo.

Trong chuyên mục hỏi đáp Ask Me Anything (AMA) của Reddit cuối tuần trước, nhóm kỹ sư phần mềm của SpaceX, công ty đang thực hiện dự án phủ sóng Internet toàn cầu bằng vệ tinh Starlink của Elon Musk, cho biết 60 vệ tinh mới nhất vừa được phóng lên quỹ đạo bởi tên lửa đẩy Falcon 9 hôm 4/6 mang theo hơn 4.000 máy tính chạy hệ điều hành Linux.

Phi hành gia trên tàu Crew Dragon thao tác thông qua màn hình cảm ứng hiện đại. Ảnh: SpaceX.

Phi hành gia trên tàu Crew Dragon thao tác thông qua màn hình cảm ứng hiện đại. Ảnh: SpaceX.

Tổng số vệ tinh được phóng lên quỹ đạo là 480 chiếc, trong khi để kích hoạt hệ thống Internet cho toàn cầu, Starlink cần đưa được 800 – 1.000 chiếc lên vũ trụ. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, số lượng máy tính Linux được SpaceX gửi lên quỹ đạo hiện đã vượt con số 32.000 chiếc.

“Ngay giờ đây, ‘Chòm sao Starlink’ đã có hơn 30.000 điểm nút là máy tính Linux, cùng hơn 6.000 bộ vi điều khiển trong không gian”, Matt Monson, Giám đốc phần mềm Starlink viết trên Reddit.

SpaceX hiện được Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) phê duyệt kế hoạch phóng 12.000 vệ tinh trong đợt đầu. Hãng cũng đã nộp đơn cho kế hoạch đợt hai, trong đó phóng 30.000 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo. Nếu vệ tinh thế hệ thứ hai mang theo số lượng tương đương, SpaceX có thể sẽ gửi ít nhất hai triệu máy tính Linux vào không gian trong vài năm tới.

Theo tiết lộ của Sulkin, những chiếc máy tính chạy Linux của SpaceX sử dụng bản cập nhật PREEMPT_RT – một dự án biến Linux thành hệ điều hành thời gian thực, phục vụ các nội dung về AI, IoT, xe hơi… Chuyên gia này cho biết, SpaceX không sử dụng bản phân phối Linux của bên thứ ba. Phiên bản hiện tại cũng có một số trình điều khiển tùy chỉnh giúp giao tiếp với phần cứng dễ dàng.

Trước đó, Steven J. Vaughan-Nichols của ZDNet tiết lộ, hệ thống bên trong tàu Crew Dragon cũng dùng Linux, với phần mềm điều khiển chuyến bay viết bằng ngôn ngữ lập trình C++. Riêng giao diện màn hình cảm ứng của tàu dùng Chromium và JavaScript.

Đại diện SpaceX cho biết, việc sử dụng Linux thay vì các nền tảng giúp hệ thống được bảo mật hơn, nhất là khi Starlink sẽ chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang giai đoạn hoạt động trong những tháng tới. “Chúng tôi đã thiết kế hệ thống Linux nhằm cho phép mã hóa đầu cuối dữ liệu. Mọi phần cứng trong đó, từ vệ tinh, cổng kết nối đến thiết bị đầu cuối của người dùng đều chỉ chạy phần mềm có chữ ký riêng. Do đó, ngay cả khi kẻ tấn công đột nhập, chúng cũng không thể làm được gì”, ông Dexter giải thích.

Các kỹ sư SpaceX không tiết lộ phần cứng máy tính (CPU và GPU) sử dụng trên tàu vũ trụ của mình. Tuy vậy, một số dự đoán cho rằng máy không có thông số mạnh. Theo tiết lộ của Vaughan-Nichols, Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) hiện dùng máy tính trang bị CPU Intel 80386SX 20 MHz “đồ cổ” ra đời năm 1988, nhưng có thêm lớp bảo vệ cứng bên ngoài để chống lại bức xạ từ các tia vũ trụ trong không gian.

Starlink là dự án được SpaceX thiết kế với tham vọng cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao trên phạm vi toàn cầu. Các vệ tinh sẽ quay quanh Trái Đất ở độ cao khoảng 550 km. Mục tiêu cuối cùng của công ty là nâng tổng số thiết bị trên mạng lưới lên khoảng 40.000 chiếc.

Nếu thành công, dự án có thể thu về 30 tỷ USD doanh thu hàng năm cho SpaceX, CEO Elon Musk dự đoán. Công ty có kế hoạch bắt đầu cung cấp dịch vụ cho những khách hàng đầu tiên ở Mỹ và Canada ngay trong năm nay.

Bảo Lâm (theo Zdnet)

Nguồn