Siêu máy tính top 10 thế giới chỉ tồn tại trong 10 phút

[ad_1]

Công ty YellowDog xây dựng một siêu máy tính “ảo” bằng nền tảng riêng và trong khoảng 10 phút, cỗ máy này huy động được hơn 3,2 triệu CPU ảo.

Siêu máy tính từng là thiết bị chỉ có thể được vận hành bởi chính phủ và các tổ chức nghiên cứu khoa học lớn. Tuy nhiên, sự phổ biến của điện toán đám mây và các công cụ quản lý khối lượng công việc trên đám mây (CWM) đã giúp mở rộng khả năng tiếp cận siêu máy tính.

YellowDog, công ty chuyên về CWM tại Anh, tuần trước đã triển khai một siêu máy tính ảo nhờ công nghệ đám mây. Ở giai đoạn cao điểm, cỗ máy sở hữu 3,2 triệu CPU ảo và đạt tốc độ tính toán tương đương siêu máy tính nằm trong top 10 thế giới, dù chỉ kéo dài trong 10 phút.

Dàn máy tính bên trong một trung tâm dữ liệu của AWS. Ảnh: Amazon.

Dàn máy tính bên trong một trung tâm dữ liệu của AWS. Ảnh: Amazon

Cỗ máy được thiết lập để chạy ứng dụng phát triển thuốc cho một công ty dược phẩm, với chi phí ước tính cho dự án khoảng 65.000 USD. “Khả năng tiếp cận siêu máy tính theo yêu cầu giúp các nhà nghiên cứu phân tích và sàng lọc 337 triệu hợp chất trong vòng 7 giờ. Các hệ thống thông thường của họ phải mất hai tháng để làm điều tương tự”, Colin Bridger, chuyên gia tại AWS, cho hay.

Điều đặc biệt là năng lực xử lý này luôn sẵn có với bất kỳ ai có khả năng chi trả, dựa trên những phần cứng đang vận hành thế giới điện toán đám mây. Các nền tảng CWM có thể tạo ra thuật toán và năng lực học máy để lựa chọn nguồn phần cứng tốt nhất, không phân biệt nơi triển khai và loại thiết bị. Ví dụ, một công ty điện toán đám mây có thể cung cấp năng lực xử lý với giá rẻ nhất, nhưng thuật toán sẽ không đề xuất nếu nó không sẵn có ở khu vực mà khách hàng chọn, hay không có đủ máy chủ theo yêu cầu. Trong trường hợp này, thuật toán CWM sẽ lựa chọn một nhà cung cấp khác phù hợp hơn.

Điệp Anh (Theo Tech Radar)

[ad_2]