[ad_1]
Ai-Da, robot “nghệ sĩ’ hình người siêu thực đầu tiên trên thế giới, có khả năng nhận biết chữ viết, làm thơ và vẽ tranh.
Trong buổi kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà thơ nổi tiếng người Italy Dante Alighieri hôm 26/11 tại Đại học Oxford (Anh), Ai-Da đã trổ tài sáng tác thơ. Bài thơ dựa trên cảm hứng của Divine Comedy – một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn thơ Italy do Dante sáng tác.
Theo Aidan Meller, người đứng đầu nhóm phát triển, Ai-Da kết hợp bài Divine Comedy, phân tích phong cách thơ của Dante trong nhiều bài thơ khác, cùng hệ thống AI và thuật toán riêng để cho ra tác phẩm mới. Bài thơ được đánh giá là “vô cùng xúc động” và chân thực, thậm chí một số người không nghĩ do robot viết ra.
Ai-Da do một nhóm lập trình và nhà khoa học thuộc Đại học Oxford và Đại học Leeds phát triển từ 2017 tới 2019. Robot “nghệ sĩ” này có kích thước như người thật, trang bị AI cùng hệ thống thuật toán phức tạp mô phỏng trí tuệ con người. Ai-Da mang hình dáng và hành động giống một cô gái với giọng nói nữ tính, có thể cử động, chớp mắt và nói chuyện.
Bên cạnh khả năng sáng tác thơ, Ai-Da có thể vẽ bức chân dung tự hoạ và điêu khắc. Tác phẩm của robot gồm các bức tranh trừu tượng dựa trên mô hình toán học phức tạp, sự kết hợp giữa AI, lập trình và robot tiên tiến. Năm 2019, triển lãm tranh đầu tiên do robot này vẽ ra thu về hơn 1 triệu USD doanh thu.
Theo Meller, Ai-Da hiện chưa quyết định được những gì mình đang làm, không thể tự nhận thức, không có cảm giác hay ý thức. Mọi hành động đều được người tạo ra nó đưa ra chỉ dẫn. Tuy nhiên, ông cho rằng việc để robot tự nhận thức không khó và đang trong lộ trình phát triển.
Ngoài ra, ông cũng không lo ngại robot sẽ thông minh hơn con người. “Công nghệ về cơ bản là lành tính”, Meller nói. “Nỗi sợ hãi lớn nhất mà chúng ta nên có là về bản thân và khả năng con người sử dụng công nghệ cho mục đích xấu, chứ không phải AI tự nó muốn làm điều đó”.
Bảo Lâm (theo CNN)
[ad_2]