Chính phủ Albanese vừa công bố thành lập một quỹ tài trợ đầu tư trị giá 2 tỷ AUD để thúc đẩy đầu tư vào khu vực Đông Nam Á tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia diễn ra ở Melbourne.
Năm 2022, tổng giá trị đầu tư song phương giữa Australia và khu vực Đông Nam Á đạt 307 tỷ AUD; tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 178 tỷ AUD, chiếm 15% tổng giá trị thương mại của Australia và lớn hơn cả thị trường Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Các sáng kiến này đáp ứng những khuyến nghị nằm trong báo cáo “Đầu tư: Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040”, được Thủ tướng Australia công bố vào năm 2023, đưa ra lộ trình thực tế nhằm tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư hai chiều, với mục tiêu tăng thêm cơ hội cho các doanh nghiệp tại Australia và Đông Nam Á, đảm bảo sự thịnh vượng chung của các quốc gia.
Phát biểu trước 100 CEO đến từ Australia và Đông Nam Á tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ngày hôm nay, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã công bố các sáng kiến chủ chốt trong giai đoạn tiếp theo của chính phủ Australia, bao gồm:
- Quỹ tài trợ đầu tư Đông Nam Á trị giá 2 tỷ AUD (SEAIFF): Được quản lý bởi Tổ chức Tài chính Xuất khẩu Australia (Export Finance Australia – EFA), SEAIFF sẽ cung cấp các khoản vay, bảo lãnh, vốn chủ sở hữu và bảo hiểm cho các dự án nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư của Australia tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực.
- 140 triệu AUD trong bốn năm để gia hạn chương trình Đối tác vì cơ sở hạ tầng (P4I): Chương trình sẽ hỗ trợ các nỗ lực cải thiện phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực và thu hút nguồn tài chính chất lượng, đa dạng hơn. Chương trình này được triển khai từ năm 2021 và đã hỗ trợ các đối tác tăng tốc kết nối giao thông, chuyển đổi năng lượng sạch và cải cách viễn thông.
- Bổ nhiệm 10 Nhà vô địch Doanh nghiệp (Business Champion) để tạo điều kiện mở rộng liên kết thương mại giữa Australia và các nền kinh tế ASEAN. Các Champion là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao của Australia, tham vấn toàn diện giúp đảm bảo sự phối hợp giữa chính phủ và doanh nghiệp tư nhân nhằm thúc đẩy hiệu quả thương mại và đầu tư song phương.
- Công bố hai Landing Pad tại Jakarta và TP. Hồ Chí Minh: Các Landing Pad mới này sẽ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp của Australia thúc đẩy xuất khẩu công nghệ đến khu vực Đông Nam Á và thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của khu vực. Landing Pad đầu tiên của khu vực được thành lập tại Singapore vào năm 2017 đã cho giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô công nghệ và thành công tiếp cận thị trường.
- Cải thiện khả năng tiếp cận thị thực cho khu vực Đông Nam Á: Thị thực công tác Australia sẽ được gia hạn từ ba đến năm năm. Diện du lịch dành cho người thường xuyên đến Australia với thời hạn 10 năm sẽ được mở rộng cho các quốc gia thành viên ASEAN đủ điều kiện.