Phương pháp học cùng con của cha mẹ ‘tài nữ thi ca’ Trung Quốc

[ad_1]

Vũ Diệc Thù – quán quân Hội nghị thơ ca Trung Quốc, hiện là sinh viên Đại học Thanh Hoa – được bồi đắp tình yêu văn chương và cách quản lý thời gian khoa học nhờ cha mẹ.

Vũ Diệc Thù (Wu Yishu) sinh năm 2001, được báo chí Trung Quốc đặt cho nhiều biệt danh như “tài nữ quốc dân”, “nữ thần thi ca”, “tiểu thần đồng”, “tài nữ thi ca” sau khi giành ngôi quán quân chương trình “Hội nghị thơ ca Trung Quốc” của đài CCTV và đạt danh hiệu Gương mặt trẻ toàn quốc vào năm 2017.

Trong cuộc thi, Vũ Diệc Thù thể hiện kiến thức sâu rộng và sự am hiểu tường tận về thi ca Trung Quốc. Nhờ 2.000 bài thơ mà mình biết, em trả lời đúng tất cả câu hỏi và đánh bại 308 thí sinh khác, lập số điểm cao nhất trong lịch sử phát sóng của chương trình đọ tài hiểu biết về văn chương này.

Vũ Diệc Thù, cô gái được mệnh danh là tiểu thần đồng. Ảnh: Aboluowang

Vũ Diệc Thù, cô gái được mệnh danh là “tiểu thần đồng”. Ảnh: Aboluowang

Vũ Diệc Thù sau đó thi vào Đại học Thanh Hoa – trường đại học luôn nằm trong Top đầu châu Á. Theo Sohu, Vũ đạt 613/660 điểm – vào Top 50 trong số 50.000 học sinh Thượng Hải dự thi gaokao (kỳ thi tuyển sinh đại học). Em hiện là sinh viên chuyên ngành Khoa học và Nghệ thuật tự do của Học viện Xinya, thuộc Đại học Thanh Hoa.

Để đạt được những thành tích đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân, Vũ còn được bồi dưỡng trong môi trường giáo dục của gia đình.

Vũ Diệc Thù sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải, trong một gia đình trí thức, cha là luật sư còn mẹ là giáo viên. Từ nhỏ, cha mẹ đã cho Vũ học hành rất bài bản, đồng thời cũng rèn luyện cho em thói quen đọc sách thường xuyên. Sách cổ Trung Hoa chứa đựng nền văn hóa sâu sắc, và là nơi quy tụ tinh hoa trí tuệ của người xưa. Vì vậy, việc đọc nhiều sách đã làm phong phú thêm kiến thức và hiểu biết của Vũ.

Vũ Diệc Thù cũng tỏ ra xuất sắc hơn bạn cùng trang lứa. Khi còn học mẫu giáo, em đã có thể đọc sách mà không cần chú âm, trong khi những đứa trẻ cùng tuổi thậm chí còn chưa biết bảng chữ cái phiên âm. Em cũng bộc lộ năng khiếu văn chương xuất chúng, không những xuất khẩu thành thơ mà còn có khả năng dùng thơ làm ẩn dụ.

Em Vũ trong cuộc thi Hội nghị thơ ca Trung Quốc do đài CCTV tổ chức năm 2017.  Ảnh: Sohu

Em Vũ trong cuộc thi “Hội nghị thơ ca Trung Quốc” do đài CCTV tổ chức năm 2017. Ảnh: Sohu

Nhưng, cha mẹ em phát hiện ra một vấn đề mà nhiều đứa trẻ bình thường đều gặp phải. Đó là càng ngày cô bé càng không thích học nữa, bắt đầu ham chơi. Cha mẹ của Vũ biết rằng, nếu dùng những biện pháp cứng rắn, bọn trẻ sẽ không còn hứng thú với việc học, thậm chí phản ứng ngược lại.

Vì vậy, họ áp dụng một phương pháp nhẹ nhàng, là cùng nhau đọc thành tiếng và ngâm thơ cho em nghe khi em được nghỉ học ở nhà. Phương pháp này rất hiệu quả, giúp cho thơ từ từ đến với Vũ một cách tự nhiên mà không ép buộc, và em nhanh chóng thay đổi thái độ của mình. Cha mẹ của Vũ sẽ cùng học, cùng nghiên cứu và thảo luận với Vũ về bài thơ nào đó sau khi Vũ học xong.

Phương pháp thứ hai, là truyền cảm hứng và giúp em thiết lập những mục tiêu lớn. Khi còn ở lứa tuổi học sinh, việc để cho trẻ đặt ra mục tiêu cụ thể là rất khó và viển vông, các em sẽ không thể bám chắc và kiên trì thực hiện mục tiêu đó. Tuy nhiên cha của Vũ đã áp dụng rất tốt phương pháp này. Khi biết Vũ có ước mơ vào Đại học Thanh Hoa, cha em đưa con gái đến thăm Đại học Thanh Hoa và các trường đại học bình thường khác. Sau khi có sự so sánh giữa các trường, Vũ Diệc Thù có nhiều quyết tâm hơn để nỗ lực hiện thực hóa ước mơ của mình.

Quang cảnh Đại học Thanh Hoa. Ảnh: Tsinghuajournals

Quang cảnh Đại học Thanh Hoa. Ảnh: Tsinghuajournals

Thứ ba, hai bậc phụ huynh này áp dụng phương pháp về thời gian. Cha mẹ luôn nói hãy biết cách trân trọng thời gian và trau dồi cho em ý thức về sự quý giá thời gian. Cha của Vũ không chỉ nói suông mà còn giúp em lập một kế hoạch học tập nghiêm túc. Theo cách này, về lâu dài, Vũ sẽ hình thành được một thói quen tốt – tự thiết lập thời gian cho mình.

Cuối cùng, sau khi Vũ trở nên nổi tiếng bởi cuộc thi “Hội nghị thơ ca Trung Quốc”, báo chí muốn phỏng vấn em, thậm chí một số công ty nổi tiếng trên mạng cũng đã tìm đến. Trong thời đại này, những người có danh tiếng trên mạng xã hội thực sự có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng cha mẹ của em đã từ chối. Họ không muốn con mình tiếp xúc sớm với truyền thông báo chí, vì sợ em sẽ phân tâm bởi sự hào nhoáng trước mắt và bị ảnh hưởng bởi những lời điều tiếng của người dùng mạng.

Phương Uyên (Theo 163, Sohu)

[ad_2]