Phụ huynh nghèo khốn đốn vì con rớt lớp 10 công lập

[ad_1]

TP HCMKhông lường được điểm chuẩn xét trung bình môn lớp 9 tăng, nhiều phụ huynh bất lực khi con rớt trường công, không có tiền học trường tư.

Hai ngày sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM công bố điểm chuẩn lớp 10 THPT công lập, chị Trang, 45 tuổi, ngụ quận 5, cùng con gái chưa vơi nỗi buồn. Với tổng điểm xét tuyển 20,6, nữ sinh trượt cả 3 nguyện vọng vào lớp 10 các trường THPT Trần Khai Nguyên, Ten Lơ Man, Võ Văn Kiệt.

Cuối tháng 4, khi trường THCS thông báo đăng ký tuyển sinh theo hình thức thi tuyển, nữ sinh nghe lời tư vấn của thầy cô đăng ký nguyện vọng theo thứ tự trường có điểm chuẩn hàng năm cao hơn sẽ đặt cao hơn. Nguyện vọng cuối dành cho trường có điểm chuẩn thấp, gần nhà, dự phòng khi rớt cả hai nguyện vọng đầu tiên.

“Con tôi học lực không giỏi nên không quá kỳ vọng vào trường top đầu, hy vọng cao nhất là vào trường Võ Văn Kiệt vì có điểm chuẩn thấp”, chị Trang kể. Năm ngoái trường này lấy 27,5 điểm với môn Văn, Toán nhân đôi, tính ra mỗi môn trung bình 5,5, phù hợp với sức học con chị.

Đầu tháng 8, UBND TP HCM quyết định không tổ chức thi mà chuyển sang xét tuyển lớp 10 theo công thức tính tổng điểm trung bình cả năm lớp 9 của môn Văn, Toán, Ngoại ngữ. Hai mẹ con chị Trang vẫn hy vọng đỗ trường nguyện vọng cuối, nhưng khi điểm chuẩn được công bố, chị hụt hẫng khi con thiếu 0,2.

“Bốn miệng ăn và việc học hai đứa con chỉ trông vào đồng lương của chồng chạy taxi, nhưng mấy tháng nay dịch bệnh đâu có chạy được. Gia đình thực sự đang rất khó khăn. Bây giờ cho con đi học nghề cũng tội mà vô trường THPT tư thục thì không kham nổi”, chị chia sẻ.

Tự nhận không quá am hiểu quy trình, nguyên tắc tuyển sinh lớp 10, chị Trang mong mỏi Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM có hướng giải quyết để vớt những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, suýt soát đạt điểm chuẩn như con mình.

Phiếu báo điểm của một thí sinh ở ở quận 5, em này rớt cả 3 nguyện vọng. Ảnh: Học sinh cung cấp

Phiếu báo điểm của một thí sinh ở quận 5, em này rớt cả 3 nguyện vọng. Ảnh: Học sinh cung cấp

Tương tự, chị Hà, 40 tuổi, ngụ quận 8, cũng đang như “ngồi trên đống lửa” bởi con gái rớt trường công lập. Đặt mục tiêu các trường THPT có điểm chuẩn ở nhóm thấp hàng năm, kỳ vọng vào trường Nguyễn Văn Linh (quận 8) hoặc Đa Phước (huyện Bình Chánh), nhưng nữ sinh rớt cả ba nguyện vọng. Với 17,5 điểm, nữ sinh thiếu 0,3 mới trúng tuyển nguyện vọng 3 vào trường Đa Phước.

Chị Hà đánh giá con gái chỉ ở mức trung bình khá nhưng rất nỗ lực ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Từ đầu tháng 5 cho đến ngày thành phố quyết định xét tuyển, nữ sinh ôn thi miệt mài và tự tin có thể đậu vào trường công.

Tuy nhiên, việc chuyển hình thức tuyển sinh sang xét tuyển, thí sinh trên toàn thành phố có điểm học bạ khá cao khiến con chị không còn cơ hội. “Tiếc nhất là cháu chỉ còn cách điểm chuẩn một chút. Mấy hôm nay cháu khóc rất nhiều, rất tội nghiệp”, chị nói.

Cũng như nhiều gia đình làm công nhân và lao động tự do khác, vợ chồng chị Hà lâm vào cảnh túng thiếu trong mùa dịch. Người mẹ mong mỏi ngành giáo dục linh động giải quyết bằng cách mở thêm nguyện vọng bổ sung hoặc tăng thêm chỉ tiêu cho học sinh.

Với tổng điểm xét tuyển 18-20, nhiều học sinh ở quận 8, Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn, TP Thủ Đức… và một số huyện rớt cả ba nguyện vọng vào lớp 10 công lập. Một phần do điểm chuẩn cao ngoài dự đoán (so sánh tương đối với điểm chuẩn hàng năm), một phần do nhiều em đặt nguyện vọng chưa hợp lý.

“Việc học online liên tục do dịch bệnh cũng khiến học sinh ở nơi khó khăn bị ảnh hưởng dẫn đến điểm kém. Khi đăng ký dự thi, các cháu có niềm tin là nỗ lực ôn tập sẽ có kết quả thi tốt, nhưng sau đó xét tuyển nên gặp bất lợi”, một phụ huynh quận 5 phân tích.

Một phụ huynh khác lo ngại vì không đủ tiền học trường tư thục, nhiều gia đình có thể cho con nghỉ học. Nhiều phụ huynh đang thảo luận, làm đơn kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM xem xét.

>>Xem điểm chuẩn xét tuyển lớp 10 công lập năm nay

Một nữ sinh lớp 9 tại TP HCM ôn tập trước giờ thi tuyển sinh lớp 10 tháng 6/2019. Ảnh: Mạnh Tùng

Một nữ sinh lớp 9 tại TP HCM ôn tập trước giờ thi tuyển sinh lớp 10 tháng 6/2019. Ảnh: Mạnh Tùng

Hôm 23/8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM công bố điểm chuẩn của 108 trường THPT công lập. Đứng đầu là THPT Nguyễn Thượng Hiền với 26,3 điểm nguyện vọng 1; 15 trường lấy từ 24 đến dưới 26. Ở nhóm thấp nhất, 15 trường lấy 15-18 điểm, tập trung ở các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ.

Theo nhiều giáo viên có kinh nghiệm, mặt bằng điểm chuẩn các trường top đầu tăng không đáng kể so với năm ngoái, thí sinh đăng ký vào nhóm trường này đều chắc chắn nguyện vọng của mình do có học lực giỏi, xuất sắc. Trong khi đó, các trường ở ngoại thành, cách đánh giá chưa đồng đều khiến điểm xét tuyển ở mức cao. Thứ hạng điểm chuẩn một số trường có thể tăng đột biến.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, nhìn nhận việc xét tuyển lớp 10 trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía trường lẫn phụ huynh, học sinh. Do đó, kết quả học sinh đạt được ở nhiều nơi có thể chưa tương xứng với sự nỗ lực học và ôn tập.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM vừa tuyển bổ sung 10% tổng chỉ tiêu lớp chuyên và lớp thường trong trường chuyên. Ông Phú cho rằng, khối trường THPT thường cũng nên được bổ sung chỉ tiêu để tạo cơ hội cho con em gia đình khó khăn, đồng thời thể hiện sự công bằng, bình đẳng giữa các loại trường.

“Việc bố trí nhân sự, việc dạy để mỗi trường nhận thêm khoảng 35-40 học sinh không quá khó. Bổ sung chỉ tiêu năm nay có thể xem là giải pháp đột xuất trong bối cảnh dịch bệnh, thể hiện sự nhân văn, chia sẻ với phụ huynh, học sinh”, ông Phú đề xuất.

Năm nay, TP HCM có 83.300 thí sinh đăng ký tuyển sinh vào lớp 10, tổng chỉ tiêu gần 67.000 nên có khoảng 17.000 em rớt trường công lập. Thí sinh trúng tuyển đang đăng ký nhập học trực tuyến, hạn chót là ngày 27/8.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Mạnh Tùng