Phập phồng nỗi lo rớt mạng khi thi online

[ad_1]

Hà NộiChiều 28/7, chị Nguyễn Thị Ngân, phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, nghe tiếng con gái khóc nức nở ở phòng bên khi đang thi online môn Giáo dục công dân.

Bé Phạm Minh Hà, con gái chị Ngân, đã làm gần xong bài thi trắc nghiệm, nhưng đột nhiên bị out khỏi phòng lúc chỉ còn vài câu cuối. Hà cố gắng đăng nhập để vào lại nhưng không được. Đến khi thành công, nữ sinh lớp 6 làm tiếp bài thi trên e.khaothi thì được cô chủ nhiệm thông báo đã bỏ trắng hai câu.

“Con gái khóc lóc, nói không bỏ câu nào, tất cả đều đã tích rồi mới nộp. Con lo lắng hỏi mẹ sẽ bị trừ điểm và bị điểm thấp phải không? Lúc đó, tôi cũng bối rối, chỉ biết động viên con”, chị Ngân chia sẻ.

Con gái chị Ngân buồn bã, đổ lỗi cho mạng “dở chứng” không đúng lúc. Vợ chồng chị trước đó đã kiểm tra đường mạng và không thấy trục trặc. Giáo dục công dân là môn thi thứ 7 của con, các môn thi trước đều suôn sẻ.

Chị Ngân kể, buổi thi hôm đó Hà không phải trường hợp duy nhất trong lớp gặp sự cố về mạng. Một số bạn bị out, thoát màn hình liên tục. Phụ huynh cuống cuồng nhắn tin trong group báo con mình không đi đâu nhưng hệ thống vẫn gửi thông báo rời màn hình.

Chuẩn bị cho buổi thi online, cô giáo dặn suốt quá trình làm bài đến lúc kết thúc, học sinh phải ngồi trước màn hình, nếu không bài thi sẽ bị hủy. Khi out khỏi Zoom, học sinh sẽ đăng nhập trở lại, tiếp tục làm bài trên e.khaothi. Trang e.khaothi phải mở và nếu đóng vào, bài thi không được chấp nhận.

Ngoài ra, con cũng sẽ bị trừ điểm nếu cô phát hiện người thân xuất hiện trong camera. Trong quá trình học sinh làm bài, cô giáo sẽ giám sát các em qua zoom và yêu cầu tắt mic. “Ra khỏi chỗ là hủy bài nên con sợ lắm, ngồi im một chỗ khóc, gặp sự cố cũng không dám rời đi nhờ hỗ trợ”, chị Ngân chia sẻ.

Học sinh tiểu học ôn tập online trước khi thi học kỳ II. Ảnh minh họa.

Học sinh tiểu học ôn tập online trước khi thi học kỳ II. Ảnh: Bình Minh.

Có con đang thi online nốt 5 môn cuối của học kỳ II lớp 6, chị Minh Khánh ở Bắc Từ Liêm chia sẻ rớt mạng là nỗi lo thường trực của gia đình. Buổi thi nào, cô giáo cũng nhắn nhủ phụ huynh ưu tiên đường mạng để con làm bài, tránh tình trạng con bị out ra hay không tải được hình ảnh của đề thi, nhất là với những đề như Sinh, Toán, tiếng Anh.

Trong khi đó đường mạng của gia đình chị Khánh gần đây yếu, vào Facebook, Youtube liên tục bị thoát ra, có lúc không vào được. Gọi điện cho nhà mạng được thông báo đường truyền đi quốc tế bị gián đoạn, đến 3/8 mới khôi phục hoàn toàn. Vì thế, để con thi online suôn sẻ, cả gia đình thống nhất không mở tivi (dùng chung đường mạng), không vào mạng bằng thiết bị khác.

“Con thi online mà cả gia đình nín thở. Tôi đang làm việc cũng phải out ra để nhường phòng, nhường đường mạng cho con. Chồng thích theo dõi thời sự lúc 19h cũng đành chịu. 20h con thi xong, câu đầu tiên không phải là con làm bài được không mà là có bị thoát ra lần nào không“, chị Khánh kể.

Cô Nguyễn Lan Hương, giáo viên một trường tư ở phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, cũng gặp nhiều tình huống bi hài trong ngày thi 26/7. Trước đó, cô Hương đã phổ biến quy chế, nhắc nhở phụ huynh cùng học sinh lớp 3A1 chuẩn bị thiết bị, đường truyền nhưng hôm thi vẫn xảy ra sự cố.

Bài thi bắt đầu lúc 15h30 nhưng cô Hương vẫn thấy thiếu hai học sinh, thông báo trong nhóm phụ huynh nhưng không thấy phản hồi. Hơn 30 phút sau, hai bạn học sinh mới xuất hiện, trình bày lý do mạng kém.

Có nam sinh bị kẹt ở quê với ông bà, không kịp lên Hà Nội trước khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16. Đang làm bài thi, nam sinh bị con mèo nhảy vào mặt rồi làm đứt dây mạng. Em bị thoát ra và không vào lại được. “Phụ huynh gọi điện cho tôi nói ông bà không biết khắc phục thế nào, cũng không biết nhờ ai. Lúc sau, con được hướng dẫn vào bằng điện thoại để thi tiếp”, chị Hương nhớ lại.

Đề thi có 25 câu nhưng làm đến câu 23, có vài học sinh bị out, phải vào để làm lại từ đầu. May mắn các con vẫn đủ thời gian hoàn thành.

Theo cô Vũ Thị Hồng, giáo viên Lịch sử một trường THPT ở huyện Chương Mỹ, mạng không ổn định, thoát ra vào lại liên tục là tình huống phổ biến khi thi online. Nếu quên không lưu, khi vào lại, các em phải làm từ đầu. “Tôi lưu ý các em phải liên tục lưu bài thi. Nhiều em làm xong điểm thấp năn nỉ xin cô cho thi lại”, cô Hồng chia sẻ.

Việc kiểm soát học sinh gian lận, theo cô Hồng, không đơn giản dù nhà trường đã yêu cầu các em nếu dùng laptop phải trúc camera xuống; nếu dùng điện thoại làm bài thì có thêm một điện thoại bật camera theo dõi. Nhiều em vẫn có cách tìm câu trả lời trên mạng, hay nhờ cha mẹ, anh chị trợ giúp trong lúc thi.

Từ ngày 15/5, do Covid-19 diễn biến phức tạp, khoảng 2 triệu học sinh Hà Nội được nghỉ hè dù chưa hoàn thành học kỳ II, trừ học sinh lớp 9 và 12. Hiện các trường cấp tập cho học sinh ôn và thi online, hoàn thành năm học 2020-2021 trước ngày 6/8.

Bình Minh

[ad_2]