Núi Phú Sĩ và người Nhật

[ad_1]

Ngọn núi biểu tượng của Nhật Bản thể hiện nhiều điều về văn hóa, tính cách con người.

Phú Sĩ, cao 3.776 m, là ngọn núi lửa xuất hiện cách đây khoảng 11.000 năm. Sau nhiều lần phun trào, ngọn núi tạm ngủ yên, nhưng các thăm dò địa chất cho thấy nó vẫn còn đang âm ỉ hoạt động. Xét về cảnh quan, Phú Sĩ không phải ngọn núi đẹp nhất nước Nhật, nhưng nơi đây luôn tạo cho người dân Nhật và du khách cảm xúc suốt nhiều thế kỷ qua.

Aki Nakagawa, giáo viên tiếng Nhật tại Tokyo, cho biết: “Một trong những lý do khiến Phú Sĩ trở nên độc đáo là bởi kết cấu hình học đáng kinh ngạc. Ngọn núi gần như là một hình tam giác cân hoàn hảo”. Người Nhật coi Phú Sĩ là biểu tượng du lịch và văn hóa do nó thể hiện được nhiều điều về con người ở đất nước này.

Núi Phú Sĩ là biểu tượng du lịch, văn hóa của xứ sở mặt trời mọc. Ảnh: Konstantin Kalishko/Alamy

Ngọn núi Phú Sĩ là biểu tượng du lịch của Nhật Bản, xuất hiện ở mọi món đồ lưu niệm khi du khách đến thăm đất nước này. Ảnh: Konstantin Kalishko/Alamy

Núi Phú Sĩ từng gắn liền với những ước mơ của người Nhật. Takuya Suzuki, một công chức đến từ Tokyo, cho biết bất kỳ người Nhật nào cũng sẽ trả lời “Có” với câu hỏi liệu anh ta có trèo lên đỉnh Phú Sĩ hay không. Ngọn núi gắn với những truyền thuyết của người Nhật. Những người đầu tiên leo lên đỉnh vào thế kỷ 11 tin rằng, bằng cách leo núi và cầu nguyện ở suối thiêng của Đạo giáo, mọi ước muốn sẽ thành hiện thực. Theo truyền thuyết, một loại thuốc được thắp lên trong miệng núi lửa để tỏa ra khói. Ai hít được khói này sẽ bất tử.

Ngọn núi còn được lấy làm thước đo cho trí thông minh và sự nhạy cảm với thiên nhiên của người dân Nhật. Ở xứ sở mặt trời mọc có câu ngạn ngữ: “Người chưa từng leo Phú Sĩ là kẻ ngốc, người leo đến hai lần thì lại ngốc hơn”. Nói cách khác, bạn phải cảm nhận được vẻ đẹp và sự hài hòa của thế giới trong lần đầu bạn leo thì mới được tính là thành công và thông minh.

Vào tháng 6/2013, khi Phú Sĩ được công nhận là Di sản Thế giới, bánh hình nón và bánh nướng xốp hình ngọn núi đặc biệt phổ biến ở các cửa hàng ở Osaka. Ảnh: Hon Chung Ham/Alamy

Vào tháng 6/2013, khi Phú Sĩ được công nhận là Di sản Thế giới, bánh hình nón và bánh nướng xốp hình ngọn núi đặc biệt phổ biến ở các cửa hàng ở Osaka. Ảnh: Hon Chung Ham/Alamy

Người Nhật không chỉ coi Phú Sĩ là ngọn núi đẹp mà còn biến nó thành công cụ tự nhiên để dự báo thời tiết. Người dân ở gần chân núi có kinh nghiệm rằng nếu nhìn lên đỉnh là mây, trời sẽ mưa, nếu nhìn rõ đỉnh, hôm sau sẽ lạnh. Hiroko, 67 tuổi, một phụ nữ Nhật sống tại Shizuoka, chân núi Phú Sĩ, hàng ngày chiêm ngưỡng ngọn núi nhưng chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên trước vẻ đẹp của nó: “Ngọn núi đặc biệt đẹp khi hoàng hôn, khiến đỉnh núi tuyết chuyển đỏ. Phú Sĩ đẹp hơn khi nhìn từ xa vì nếu nhìn gần, chúng chỉ là những viên đá”.

Alexander Meshcheryakov, một nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản, cho biết tuy Phú Sĩ là biểu tượng của cái đẹp và sự hoàn hảo gần như tuyệt đối, song người Nhật vẫn cũng coi nó như một biểu tượng của sự chết chóc. Hoa anh đào nở rực vào mùa xuân bên dưới ngọn núi vừa là biểu tượng du lịch của nước Nhật vừa là lời nhắc nhở về sự tạm bợ của cuộc sống bởi ngọn núi có thể phun trào bất cứ khi nào. Lần cuối cùng Phú Sĩ nổi cơn thịnh nộ là vào tháng 12/1707. Nhưng các cảm biến được lắp đặt xung quanh ghi lại hoạt động địa chấn cho thấy Phú Sĩ đang dần thức giấc. Nếu Phú Sĩ hoạt động, trung tâm của đảo Honshu và thủ đô Tokyo sẽ chìm trong nham thạch.

Đền Hongu Sengen được xây dựng để trấn an các linh hồn trên núi. Ảnh: David Parker/Alamy

Đền Hongu Sengen được xây dựng để trấn an các linh hồn trên núi. Ảnh: David Parker/Alamy

Tuy nhiên, điều có thể xảy ra với Phú Sĩ không khiến người Nhật hoảng sợ. Sống trong một đất nước có nhiều thiên tai, người Nhật dù nổi tiếng cứng đầu và không chịu khuất phục, song luôn cam chịu và hòa nhã với thiên nhiên. Mặc dù họ là những người cứng đầu và chăm chỉ, nhưng khi nhìn thấy điều gì đó vượt trội so với sức của mình như những hiện tượng tự nhiên, họ sẽ nhượng bộ và rút lui. Thay vì lo lắng, họ thích suy ngẫm hơn và cảm nhận chúng.

Leo núi Phú Sĩ là một trong những cách nhanh nhất để cảm nhận tính cách của người Nhật. Sườn núi thoai thoải, đường lên đỉnh thuộc dạng dễ nhất thế giới. Bất kỳ người khỏe mạnh nào cũng có thể đi bộ 10 km để lên đỉnh núi. Tuy nhiên, hiện tại nhiều người Nhật chỉ coi việc leo núi Phú Sĩ là dự định chứ không nghiêm túc muốn thực hiện nó. Ngày nay, hai phần ba số người leo núi là du khách nước ngoài. “Leo núi Phú Sĩ đã trở thành một thú vui, nhưng không còn mang ý nghĩa thiêng liêng như ngày xưa nữa”, Takuya Suzuki nói.

Trung Nghĩa (Theo Vokrug Sveta)

[ad_2]

Source link