Nỗi đau bị Mỹ giám sát của TSMC

[ad_1]

Là công ty giá trị nhất châu Á nhưng TSMC không bảo vệ được bí mật kinh doanh của mình và phải hoạt động dưới sự giám sát của Mỹ.

TSMC vừa nộp hồ sơ về dữ liệu kinh doanh theo yêu cầu của Bộ Thương mại Mỹ. Trong đó có một hồ sơ công khai và hai hồ sơ khác được giữ kín, chứa các con số bí mật.

Động thái tuân thủ của TSMC trở thành tâm điểm của ngành chip toàn cầu vì trong đó có nhiều thông tin quan trọng liên quan tới công ty chip hàng đầu thế giới và các đối tác. Có thể kể đến như lượng hàng trong kho của các sản phẩm bán dẫn hàng đầu của công ty; Các đơn đặt hàng các sản phẩm mới nhất, tổng số sản phẩm, thuộc tính, doanh số bán hàng trong tháng và địa điểm sản xuất, lắp ráp, đóng gói; Ba khách hàng lớn nhất cho mỗi sản phẩm và mỗi khách hàng chiếm bao nhiêu % doanh số…

Sau khi quyết định đáp ứng yêu cầu của Bộ Thương mại Mỹ, TSMC nhấn mạnh rằng trong hồ sơ không có dữ liệu nhạy cảm của khách hàng và họ “đang làm hết sức để bảo vệ quyền riêng tư của đối tác”.

Mỹ viện lý do minh bạch chuỗi cung ứng và giải quyết tình trạng thiếu chip đang diễn ra trên diện rộng để yêu cầu các công ty chip như TSMC giao nộp nhiều bí mật kinh doanh. Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Giới phân tích đánh giá, việc phải khuất phục và giao nộp bí mật thương mại là nỗi đau của TSMC.

Trước đó, vào cuối tháng 9, Nhà Trắng mời đại diện các công ty cung ứng lớn tới để thảo luận về tình trạng thiếu chip. Các doanh nghiệp tham gia có Apple, Microsoft, Samsung, TSMC, Intel…. Theo Reuters, các công ty được đề nghị thực hiện một khảo sát, cung cấp con số liên quan đến hoạt động kinh doanh. Khi đó, TSMC cho rằng yêu cầu của chính phủ Mỹ là vô lý, không chấp nhận “cúi đầu” vì họ là doanh nghiệp có giá trị nhất châu Á. Tuy nhiên, sau đó hãng sản xuất chip Đài Loan lại thông báo sẽ cung cấp dữ liệu vào tháng 11.

Vào tháng 8, TSMC đã vượt qua Tencent để trở thành công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất châu Á với hơn 538 tỷ USD. Họ cũng là công ty đúc chip lớn nhất thế giới, chiếm hơn nửa thị phần. Samsung xếp thứ hai với 20% thị phần và SMIC theo sau với 5%. Doanh thu quý III/2021 của công ty tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19 và khủng hoảng chip toàn cầu.

Những con số trên cho thấy TSMC đang giữ vị thế lớn trong thế giới công nghệ, nhưng tại sao họ vẫn phải chịu sự ràng buộc của Mỹ?

“Bất kể doanh nghiệp của bạn lớn đến đâu, bạn cũng đều phải nhìn vào nơi bạn kiếm tiền. Sau khi Huawei bị Mỹ cấm vận, Apple trở thành khách hàng lớn nhất, đóng góp 20% doanh thu của TSMC. Chưa kể các công ty hàng đầu trong lĩnh vực chip như Qualcomm, AMD và Nvidia đều là công ty Mỹ”, Sina phân tích.

Theo báo cáo tài chính quý III, mảng smartphone chiếm 44% doanh thu của TSMC. Đơn hàng iPhone 13 bùng nổ đem đến cho công ty nguồn lợi khổng lồ, bù đắp những thiếu hụt từ Huawei. Ngoài ra, 3/5 doanh thu của hãng đến từ Mỹ.

Các chuyên gia nhận định, tình trạng chống độc quyền ở Mỹ ngày càng trở nên gay gắt. Chính sách thắt chặt chuỗi công nghiệp khiến TSMC không còn được chủ động như trước mà chỉ có thể hoạt động dưới sự giám sát của chính phủ Mỹ. Đây được xem là nỗi đau với một công ty hàng đầu châu Á trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung vẫn kéo dài.

Để tránh phụ thuộc, ngay sau khi giao nộp tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh, TSMC nhanh chóng hợp tác với Sony để thành lập công ty đúc chất bán dẫn mới, đặt tại Kumamoto, Nhật Bản. Nhà máy dự kiến được xây dựng ngay trong năm 2022 và hoạt động từ 2024. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, kịch bản của Mỹ sẽ lặp lại tại Nhật Bản và TSMC sẽ vẫn không được “tự do” trong hoạt động kinh doanh dù đang dẫn đầu thị trường.

Khương Nha (theo Sina)

[ad_2]