Nhiều địa phương miền Tây sẽ dạy học trực tuyến

[ad_1]

Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên nhiều địa phương ở miền Tây khai giảng năm học mới và dạy học trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.

Gần đến ngày khai giảng năm học mới, thầy cô, ban giám hiệu trường THPT Trung An ở huyện vùng sâu Cờ Đỏ, TP Cần Thơ tất bật liên hệ học sinh, tổ chức nhóm liên lạc qua Zalo, kiểm tra các phương án giảng dạy online.

Ông Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng trường cho biết, năm học mới trường có 34 lớp với hơn 1.300 học sinh. Trường đã phân công giáo viên chủ nhiệm kết nối với phụ huynh, học sinh từ tuần trước nên ngày tựu trường trực tuyến tổ chức hôm 1/9 có tỷ lệ học sinh tham dự qua các nhóm Zalo gần 100%.

“Do có kinh nghiệm từ năm học trước nên hiện các giáo viên đã thành thạo việc giảng dạy online”, ông Dũng nói và cho biết từ ngày 6/9, gần 400 học sinh thuộc khối 12 của trường bắt đầu học trực tuyến. Còn khối 10 và 11 cũng được làm quen với cách học mới này 2-3 tiết mỗi ngày trước khi học chính thức từ ngày 13/9.

Học sinh Trường THPT Trung An ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ tập thể dục giữa giờ, năm học 2020-2021. Ảnh: Văn Dũng

Học sinh trường THPT Trung An ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ tập thể dục giữa giờ, năm học 2020-2021. Ảnh: Văn Dũng

Về cơ sở vật chất, ông Dũng cho biết Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện Cờ Đỏ từng có kế hoạch trưng dụng trường làm khu cách ly nhưng chưa sử dụng. Hiện cơ sở giáo dục này đã được phun xịt, khử khuẩn và bàn giao lại. Toàn bộ học sinh, giáo viên qua các lần xét nghiệm sàng lọc không có F0, cũng không có F1 nên việc bắt đầu năm học mới hầu như không gặp trở ngại.

Tại huyện vùng sâu Vĩnh Thạnh có hơn 30.000 học sinh các cấp bước vào năm học 2021-2022. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, huyện có 46 trường từ mầm non đến THCS. Trong đó có 3 trường tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia được trưng dụng làm khu cách ly phòng chống Covid-19. Hiện 2 trường đã được trả lại để phục vụ việc dạy học. Hàng trăm học sinh trường còn lại (mới xây dựng) tạm thời phân bổ ở các trường lân cận.

“Cái khó đối với việc tổ chức dạy và học trực tuyến là một số trường còn thiếu máy tính. Nhiều gia đình không có kết nối Internet cũng như học sinh không có máy tính, điện thoại thông minh”, ông Dũng nói và cho biết đã tham mưu UBND huyện cùng Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư thêm cơ sở vật chất. Đồng thời, giao giáo viên chủ nhiệm tổ chức các nhóm học trong khu vực, xóm ấp để các học sinh san sẻ phương tiện, cùng học tập; in, gửi bài cho các em khó khăn…

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, có khoảng 447.000 học sinh ở các cấp học bước vào năm học 2021 – 2022, khai giảng trực tuyến vào ngày 5/9. Học sinh mầm non, tiểu học bắt đầu học từ ngày 20/9. Ở bậc trung học, lớp 9 và 12 sẽ bắt đầu học từ 6/9. Các khối lớp còn lại học từ 13/9.

Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp với hơn 4.100 ca nhiễm – đứng thứ 3 ở miền Tây, trước mắt Cần Thơ cho các trường tổ chức dạy học trực tuyến đối với cấp trung học. Còn bậc tiểu học, do đặc điểm tâm sinh lý của học sinh, chưa sử dụng thành thạo các dụng cụ công nghệ thông tin, không đảm bảo sự tập trung… nên chưa triển khai dạy học trực tuyến.

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ cho biết đã đề nghị lãnh đạo UBND thành phố miễn học phí cho học sinh mầm non và các cấp phổ thông, ít nhất trong học kỳ I năm học này.

Học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm ở quận Ninh Kiều đeo khẩu trang, ngổi giãn cách mỗi em một bàn, tháng 2/2021. Ảnh: Cửu Long

Học sinh trường THCS Đoàn Thị Điểm ở quận Ninh Kiều đeo khẩu trang, ngồi giãn cách mỗi em một bàn, tháng 2/2021. Ảnh: Cửu Long

Trong khi đó, tại Đồng Tháp, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp với hơn 7.000 ca mắc, xếp thứ 2 ở miền Tây. Tỉnh dự kiến tựu trường vào ngày 15/9, khai giảng sáng 20/9. Địa phương này đã trưng dụng 59 trường học làm khu cách ly tập trung, hiện tại đã bàn giao lại 40 trường. Những cơ sở còn lại, các địa phương sẽ bàn giao chậm nhất vào ngày 5/9 để các trường tiến hành vệ sinh, khử khuẩn.

Bà Nguyễn Thuý Hà, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp cho biết ngày 6/9 các trường sẽ dạy online cho khối 9 và 12, đảm bảo kiến thức cho học sinh thi chuyển cấp, hoặc tham gia kỳ thi năng lực vào các trường cao đẳng, đại học.

Đối với học sinh khó khăn, chưa có điều kiện học online, Sở sẽ vận động từ nhiều nguồn, trang bị máy tính, đường truyền Internet để hỗ trợ một phần. Khi trở lại trường, thầy cô có trách nhiệm phụ đạo thêm cho các em chưa thể học trực tuyến. Việc học tập trung hay online sau ngày khai giảng sẽ được UBND tỉnh quyết định căn cứ vào diễn biến dịch.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng quy trình y tế học đường để phòng chống Covid-19 và đang trình các cơ quan chức năng để thống nhất thực hiện. Quy trình sẽ cụ thể hóa các bước phòng dịch từ cổng trường, học trong lớp, giờ ra chơi, ra về… “Các trường cũng xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, thầy cô, học sinh trên tinh thần cảnh giác cao độ và thích ứng với những biến đổi bất thường. Mỗi trường có ban chỉ đạo, các địa chỉ tin cậy để có việc gì cần thiết thì sẵn sàng thông tin, chỉ đạo kịp thời”, bà Hà nói.

Với các học sinh chưa thể về địa phương để tựu trường do giãn cách xã hội hoặc ở các tỉnh khác sang học, bà Hà cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cho phép học tạm tại nơi các em đang ở. Sau đó, kết quả học tập sẽ chuyển về lớp hoặc tạo điều kiện để các em chuyển trường nếu có nhu cầu.

Trong khi đó, các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang cùng khai giảng ngày 5/9 theo hình thức trực tuyến. Còn các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, Bến Tre, Long An, Trà Vinh khai giảng từ 13 đến 20/9.

Tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Bạc Liêu dự kiến áp dụng hình thức dạy trực tuyến và qua truyền hình. Tại Vĩnh Long và Cà Mau, học sinh vùng nguy cơ sẽ học trực tuyến; còn vùng an toàn sẽ đến trường trong điều kiện đảm bảo phòng chống Covid-19. Bến Tre kết hợp phương án học trực tiếp và trực tuyến.

Tại An Giang, từ 15/9, tùy tình hình Covid-19 tại các huyện, thị xã, thành phố, tất cả cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động theo các phương án cụ thể. Tỉnh Hậu Giang cũng đang chuẩn bị các phương án, đến ngày khai giảng (12/9), tùy theo thực tế dịch bệnh sẽ áp dụng hình thức dạy trực tuyến hay trực tiếp cho từng địa phương.

Đối với Long An, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo áp dụng hình thức dạy học phù hợp với diễn biến dịch, trong đó ưu tiên dạy trực tiếp. Còn Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang chỉ đạo các trường không dạy qua Internet mà tổ chức cho học sinh đến trường từ ngày 20/9.

Cửu Long – Ngọc Tài

[ad_2]