Hương vị chuẩn truyền thống
|
Sau thời gian học nghề, tiệm hủ tiếu cá 477 ra đời và phục vụ thực khách đến hôm nay. Hủ tiếu cá ở tiệm có hai loại dai và mềm. Anh Huy giải thích: “Người miền Tây thích ăn sợi hủ tiếu nhỏ, dai còn người Bắc thì lại thích sợi to mềm như bánh phở. Quán phục vụ hai loại để thực khách dễ dàng lựa chọn”.
|
Gọi một tô hủ tiếu cá sợi dai, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự thanh đạm. Tô hủ tiếu không bóng dầu, mỡ mà lại ngập sắc xanh của hẹ và rau cải. Cá lóc bông được phi lê thành miếng, sạch xương và dày khoảng 1cm.
Với những người thích hương vị đậm đà thì khi thử nước lèo ở đây sẽ chê nhạt. Nhưng với tôi, nước dùng thanh, nêm nếm vừa phải, khi ăn không bị ngấy. Sợ hủ tiếu dai, thấm gia vị kết hợp với miếng phi lê cá tươi, mềm và ngọt tạo nên một tổng thể hòa hợp và cân đối.
“Nói chung hương vị của quán này ngon hơn những nơi khác một chút. Tôi sống ở Q.5, khu người Hoa lâu rồi nên ăn thấy hợp và thường ghé đây”, cô Kim (ngụ Q.5, TP.HCM) chia sẻ.
|
Bù lỗ vì giá lên
Hủ tiếu cá của quán có giá 37 ngàn/tô. Thắc mắc tại sao tiệm lại lấy giá lẻ như vậy, anh Huy cho biết: “Mấy ngày trước chỉ có 35 ngàn/tô thôi nhưng vì thịt heo và cá lên giá cao quá nên phải tăng giá thêm 2000 đồng. Quán bán bình dân cũng không dám tăng lên nhiều sợ mất khách.”
Anh Huy chia sẻ: “May là tôi buôn bán tại nhà, không phải thuê mặt bằng chứ giờ gánh thêm chi phí đó thì lỗ chắc. Món hủ tiếu này không như phở, công phu nhiều bước từ sơ chế đến chế biến nên cần nhiều người. Quán tôi tất cả là 9 người làm mà chỉ bán trong buổi sáng”.
|
Đến khoảng 10 giờ, hầu hết nguyên liệu của quán đã hết. Tôi thắc mắc sao anh không bán buổi chiều để bù lại phần nào chi phí, anh tâm sự: “Làm cái này cực quá, đứng từ sáng tới trưa là oải lắm rồi. Mình muốn nghỉ cũng đâu có nghỉ được, mình nghỉ là nghỉ hết, bệnh cũng phải làm. Cũng vì cực mà nhiều quán hủ tiếu cá của người Hoa trước đây đều đóng cửa hết cả. Những người trẻ bây giờ đi học rồi tìm công việc chứ ít ai muốn tiếp nối truyền thống gia đình”.
|
|
|
|