Người mẹ 40 tuổi đạt 27 điểm sau ba tuần ôn thi

[ad_1]

Hà NộiTrong 21 ngày nghỉ phép không lương, chị Nguyễn Thị Thủy ôn Sử và Địa mỗi môn một tuần, riêng Giáo dục công dân 3 ngày và đạt 27 điểm.

Những ngày cuối tháng 7, sau mỗi ngày đi làm về, chị Nguyễn Thị Thủy, 40 tuổi, ở huyện Đông Anh, bận rộn hơn. Ngoài làm việc nhà, chị tranh thủ phản hồi những lời chúc mừng của bạn bè, người thân. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, chị đăng ký dự thi và là một trong số ít thí sinh lớn tuổi đạt 27 điểm ba môn của bài thi Khoa học xã hội, 24,75 khối C00 (Văn, Sử, Địa).

Sau 20 năm rời xa sách vở, lại chỉ ôn luyện trong 21 ngày, kết quả của chị Thủy khiến nhiều người ngưỡng mộ. “Quyết định thi lại khi đã 40 tuổi không phải lựa chọn dễ dàng. Kết quả này đã giúp tôi thực hiện ước mơ ngày trước chưa thể làm”, chị nói.

Chị Thủy và con trai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Thủy và con trai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Thủy được sinh ra khi bố mẹ đã gần 60 tuổi, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Năm 18 tuổi, chị không đắn đo mà điền hết nguyện vọng vào các trường sư phạm, nếu đỗ cũng không mất học phí, nhưng cuối cùng thiếu 1,5 điểm. Đứng trước những ngã rẽ của tuổi trưởng thành, phải đối mặt với nỗi lo cơm áo, chị đành tạm gác lại ước mơ học đại học và lập gia đình vào năm 2002.

Đến cuối năm 2019, biến cố mất người thân yêu xảy đến. Sau thời gian dài đau buồn, chị mới vượt qua và tìm lại được động lực sống. Nhớ về những điều dang dở trong quá khứ, chị nghĩ đây là thời điểm thích hợp để hoàn thành nốt nên quyết tâm thi lại đại học.

Chị chỉ chia sẻ quyết định thi lại cho chồng và bố mẹ. Mẹ chị trách “già rồi còn thi” nhưng hông cấm cản. Còn chồng cười xòa, bảo “vui là được”. Với thói quen xem các gameshow trí tuệ, tranh thủ mỗi khi rảnh lại lên mạng xã hội xem video chia sẻ kiến thức, chị Thủy có niềm tin nhất định về lựa chọn của mình.

Đầu tháng 4, chị bắt đầu làm hồ sơ. Không ai biết để giúp đỡ, chị Thuỷ phải tự mò mẫm mọi thứ. Thay vì đăng ký ba môn của tổ hợp C00, vì chút nhầm lẫn, chị đăng ký thêm cả Giáo dục công dân, tức tham gia thi Văn và cả ba môn của bài thi Khoa học xã hội. “Lúc đấy tôi sợ lắm, nghĩ lại phải ôn thêm một môn nữa rồi. Sau đấy, tôi tự động viên mình học thêm tức là biết thêm cái mới”, chị nói.

Tài liệu ôn thi của chị Thủy có sẵn nhưng không nhiều, hầu hết là tận dụng sách vở của các con. Văn là môn duy nhất chị mua một khóa học online, giá 1,3 triệu đồng và một số sách tham khảo. Ba môn còn lại, người mẹ xem các bài giảng online miễn phí của giáo viên mà chị thường gọi vui là “xem chùa”, mượn thêm đề cương của người cháu cũng chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.

Chị học Văn đầu tiên, cũng là môn thích nhất. Thế nhưng, người mẹ gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian học. Làm việc ở một nhà máy sản xuất phụ tùng xe máy ở khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, chị thường xuyên phải luân chuyển giữa ba ca với các khung giờ làm việc 6-14h (ca 1), 14-22h (ca 2), 22h-6h sáng hôm sau (ca 3).

Những ngày làm ca 1, chị thường đăng ký làm thêm đến 16-17h, về nhà lại lo cơm nước để ngủ sớm, kịp thức dậy lúc 4h30 hôm sau để kịp đến công ty lúc 6h. Đến khi làm ca 2 và 3, chị tranh thủ đọc qua sách vào ban ngày. Một tháng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, chị mới học được Văn, ba môn còn lại gần như chưa sờ đến. Sau vài ngày đắn đo, chị quyết định xin nghỉ không lương từ 16 đến 30/6, sau đó tiếp tục nghỉ phép thêm một tuần để hoàn thành kỳ thi.

Chị Thủy trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Thủy bảo thấy trẻ lại khi được ôn thi cùng học sinh lớp 12. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong 21 ngày ôn tập nước rút, chị dành tuần đầu tiên học Sử, tuần tiếp thep học Địa và vài ngày cuối ôn Giáo dục công dân. Người mẹ chia sẻ không học cùng lúc nhiều môn vì muốn học đâu xong đó. “Có lần, giáo viên Sử nhắc đến Hội nghị Yalta mà tôi mới ôn đến phần sử Việt Nam. Lúc đó tôi bức xúc lắm vì không biết Yalta là gì nên quyết tâm học đến đâu là xong hết luôn”, chị kể.

Biết thế mạnh của mình không còn là trí nhớ, chị học hiểu, tập trung kiến thức trọng tâm. Càng học càng ham, chị không thấy mệt. Hơn nữa, chị xác định học để có thêm kiến thức cho mình, kết quả kỳ thi không phải vấn đề quá lớn với chị. Người mẹ chỉ muốn tham dự và hoàn thành kỳ thi một cách hết mình.

Trong thời gian ôn thi, chị thường lên Facebook, tham gia các hội nhóm của học sinh. Nhìn học trò chia sẻ, tranh luận với nhau, chị thấy mình trẻ lại, còn học được nhiều câu nói “bắt trend” của thế hệ trẻ như “đánh lụi” (khoanh bừa), “không làm được bài thì đập đầu vào gối”… Không chỉ vậy, chị nhận được sự ủng hộ của gia đình khi chồng thường xuyên động viên, hai con trai đang học lớp 8 và 6 đảm nhận nhiệm vụ nấu cơm, làm việc nhà để mẹ học bài.

Ngày thi, chị Thủy chuẩn bị đẩy đủ giấy tờ, dụng cụ và ôm theo chiếc cặp sách của con để đến điểm thi. Thí sinh lớn tuổi khiến lực lượng làm nhiệm vụ và cán bộ coi thi bất ngờ nhưng sau khi kiểm tra giấy báo dự thi và chứng minh nhân dân của chị, mọi người đều hỗ trợ nhiệt tình, hướng dẫn chị chi tiết cách ghi thông tin trên phách và phiếu trả lời trắc nghiệm.

Lúc nhận đề môn Văn, chị Thuỷ cũng bất ngờ vì “lệch tủ” như bao thí sinh năm nay. Người mẹ ôn trọng tâm “Chiếc thuyền ngoài xa”, “Tuyên ngôn độc lập”, “Ai đã đặt tên cho dòng sông”… nhưng đề thi lại hỏi vẻ đẹp nữ tính trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh. Sau nhiều năm ngưng học, chị thấy tốc độ viết và vốn từ của mình gặp nhiều hạn chế.

9h30 hết giờ nhưng 8h50 chị mới làm xong phần đọc hiểu và nghị luận xã hội. “Rất may tôi đã học tác giả Xuân Quỳnh và biết tác phẩm này nên vẫn viết được, có điều chưa thực sự ưng ý vì không đủ thời gian”, chị kể.

Hôm công bố điểm thi, chị Thuỷ đã ngủ từ sớm để hôm sau làm ca 1, định bụng khi đi làm về sẽ tra cứu sau. Nhưng hơn 12h đêm, bạn học cùng lớp Văn online của chị thông báo điểm với giáo viên, điện thoại chị cũng vì thế mà báo tin nhắn liên tục. Tỉnh giấc, chị nhờ con tra điểm giúp mình.

Thấy kết quả 7,25 Văn, 8,5 Sử, 9 Địa và 9,5 Giáo dục công dân, hai con chị reo lên “Điểm mẹ cao thế”, còn chồng chị đùa “Tưởng Văn 6 điểm thôi chứ?”. Chị cười, tâm trạng lẫn lộn. Bên cạnh niềm vui được điểm cao, chị lại nghĩ về chuyện buồn đã xảy đến với mình và gia đình trong quá khứ, những điều đã trực tiếp thôi thúc chị đăng ký dự thi.

Sau khi có kết quả, chị mới chia sẻ lý do mình xin nghỉ 21 ngày, đồng thời gửi lời cảm ơn tới đồng nghiệp đã hỏi thăm chị trong thời gian đó. “Nhiều cháu 2003 còn phải xách dép cho cô dài”, người mẹ nhận nhiều lời khen từ bạn bè. Với kết quả này, chị Thủy dự định đăng ký ngành Việt Nam học, Đại học Sư phạm Hà Nội, theo tổ hợp C00. Nguyện vọng 2 và 3 của chị nộp vào Học viện Phụ nữ Việt Nam, Học viện Thanh thiếu niên.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT của chị Thủy. Ảnh chụp màn hình

Kết quả thi tốt nghiệp THPT của chị Thủy. Ảnh chụp màn hình

Nguyễn Văn Sơn, cháu họ của chị Thủy, chưa thể tin ngay khi thấy mợ đăng kết quả thi, phải chạy đi hỏi lại người thân. Đến khi được xác nhận, Sơn không khỏi bất ngờ, xúc động. “Mình vui và khâm phục mợ khi đã thực hiện được điều không phải ai cũng dám làm”, Sơn nói.

Người mẹ bộc bạch, quyết định tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đã giúp chị trải nghiệm những giây phút ý nghĩa. Ở tuổi tứ tuần, một lần nữa chị được trẻ lại, có cơ hội làm bạn và ôn thi với những học sinh bằng tuổi con mình. Thấy mẹ ham học và thi đạt điểm cao, hai con trai của chị cũng chú ý tới chuyện học hành, thích đọc sách hơn trước.

“Tôi mong câu chuyện của mình không chỉ giúp hai con mà còn truyền năng lượng tích cực tới các bạn trẻ. Tôi nghĩ khi có quyết tâm, đam mê, các cháu sẽ làm được rất nhiều thứ, đặc biệt học tập không bao giờ muộn”, chị Thủy chia sẻ.

Thanh Hằng

Tra cứu điểm thi THPT quốc gia 2021

[ad_2]