Năm thách thức lớn với ngành dệt may

[ad_1]

Thiếu nguồn nhân lực, vaccine cho nhân viên, sụt giảm đơn hàng… là những khó khăn ngành dệt may đang phải đối mặt trong đại dịch.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phía Nam ảnh hưởng tới nhịp sản xuất, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Tại tọa đàm “Cải tiến kỹ năng lao động – chìa khóa bứt phá sản xuất trong đại dịch” hôm 28/9, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết ngành công nghệ nói chung và dệt may nói riêng đang đối mặt với năm thách thức lớn:

Đầu tiên là thiếu nguồn lao động có tay nghề. Thách thức này đến từ cách thức quản lý, đối phó dịch của các địa phương khác nhau, chưa thực sự kết nối. Điển hình là TP HCM – nơi được xem là trung tâm trong chiến lược ổn định, kiểm soát Covid-19; ổn định, phát triển kinh tế hay giữ chân người lao động, khiến họ yên tâm ở lại.

Cách thức kiểm soát dịch hồi tháng 6, 7 khá lúng túng dẫn đến hiện trạng chuyển dịch lao động, khoảng 37-40% công nhân viên quyết định rời thành phố lớn về quê. “Rất khó để họ quay lại, chỉ còn chưa đến bốn tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, không ai quay lại các khu công nghiệp vào thời điểm này”, ông Giang nói.

Thách thức thứ hai là việc tiêm chủng cho người lao động chưa triển khai đồng bộ, nhiều nhân sự chưa được tiêm mũi một. Đến tháng 10, 11 mới có thể tiêm phủ vaccine.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp không còn đủ khả năng thực hiện ba tại chỗ nếu dịch vẫn kéo dài, dẫn đến tỷ lệ làm việc rất thấp, chỉ đạt 20-25%. Các giải pháp “tuyến đường”, “hai điểm đến” cũng gặp nhiều rào cản. Người lao động ở những nơi khác nhau, cách thực hiện rất khó với doanh nghiệp.

Thứ tư là thực trạng đơn hàng ngành dệt may sụt giảm nghiêm trọng. Khoảng 30-40% đơn rút khỏi thị trường Việt Nam. Các đơn chuyển dịch ra phía Bắc cũng chỉ đạt tỷ lệ thành công 10%.

“Để khôi phục lượng đơn hàng như trước là hành trình dài, từ 6 tháng đến một năm”, ông Giang nói.

Rào cản cuối cùng liên quan tới cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động khi nhà máy phải đóng cửa. Có những địa phương linh hoạt vận dụng tốt nhưng cũng có tỉnh rất cứng nhắc, rập khuôn.

Công nhân một nhà máy may mặc tại Long An sản xuất khẩu trang, thời điểm trước giãn cách xã hội. Ảnh: Quỳnh Trần

Công nhân một nhà máy may mặc tại Long An sản xuất khẩu trang, thời điểm trước giãn cách xã hội. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Vũ Đức Giang cho rằng cần chú trọng kỹ năng lao động và đào tạo nguồn nhân lực. Bằng cấp, chứng chỉ hành nghề rất cần thiết, nhưng kỹ năng, tay nghề mới là vấn đề then chốt.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chỉ ra những vấn đề cơ bản. Thứ nhất, văn hóa vùng miền là giải pháp cơ quan ban ngành lẫn cộng đồng doanh nghiệp cần suy nghĩ.

Theo ông, khi đầu tư vào các nhà máy ở địa phương, các nhà đầu tư thường nhìn nhận, đánh giá nhiều vấn đề. Đào tạo kỹ năng, tay nghề cho nhóm công nhân lao ở đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ hay Nam bộ nhanh hơn so với người lao động ở vùng sâu, vùng xa, Tây Nguyên hay miền núi Bắc bộ. Văn hóa sinh hoạt vùng miền cũng là thách thức với doanh nghiệp.

Bộ, ngành, doanh nghiệp… cần tính toán cách thức thu hút người lao động và ổn định tầm nhìn sản xuất. Riêng ngành dệt may đã nhìn thấy rõ thách thức về nhân sự, nhất là sự chuyển dịch lao động thời dịch và công nhân không quay trở lại khu công nghiệp. Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự định bố trí lại thiết bị, công nghệ và loạt công đoạn ngành sợi, dệt nhuộm, may… và tập trung cho tự động hóa.

Với quan niệm “người lao động là tài sản của doanh nghiệp”, hiệp hội và cơ quan ban ngành cần bàn bạc với chủ nhà máy để có cơ chế, chính sách thu nhập, thưởng hợp lý trong bối cảnh khó khăn. Cố gắng hỗ trợ công, nhân viên tốt nhất có thể để khi tái mở cửa, kiểm soát dịch, họ sẽ quay trở lại làm việc.

“Vì cái nghĩa, cái tình, trong lúc khó khăn doanh nghiệp không bỏ họ, đến khi mở cửa thì người lao động sẽ không bỏ doanh Nghiệp”, ông Giang lý giải.

Ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

Ông Giang cũng kiến nghị Bộ Lao động nên hướng dẫn các địa phương thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động giống nhau, bởi mỗi nơi làm một kiểu là thách thức lớn với doanh nghiệp.

“Phòng lao động mỗi huyện đã khác nhau, cách suy nghĩ, trả lời và đặt vấn đề ở mỗi địa phương cũng khác. Tôi cho rằng Bộ Lao động nên có hướng dẫn quán triệt, mang tính xuyên suốt, tạo động lực cho doanh nghiệp tái khởi động và hỗ trợ người lao động để họ yên tâm quay lại. Tôi cho rằng đây là vấn đề sống còn. Phải hết 2022-2023, nền công nghiệp Việt Nam may ra mới trở lại trạng thái bình thường như năm 2019”, ông Vũ Đức Giang nói thêm.

Thi Quân

[ad_2]