Món gỏi làm từ lá đổi vị theo thời gian

[ad_1]

Lá lìm kìm mọc nhiều ở các khu vực rừng ngập mặn, tùy theo thời điểm thu hái mà sẽ có vị mặn, hơi chua chát, xen lẫn ngọt dịu.

Khi đến Cần Giờ (TP HCM), du khách có thể thưởng thức các món ngon từ hải sản được nuôi trồng, đánh bắt ở biển và món ăn làm từ các loại rau thiên nhiên mọc dại trong khu vực rừng ngập mặn. Trong số đó, lìm kìm hay còn gọi là rau kìm là loại khá đặc biệt. Chúng là loại dây leo có lá nhỏ bằng ngón tay hình giọt nước và mọng nước, ăn giòn, hương vị thay đổi theo mùa mưa và mùa khô trong năm.

Vào khoảng thời gian khác nhau trong ngày, loại lá này cũng có những thay đổi về hương vị như mặn, chua chát và có hậu ngọt. Người dân Cần Giờ dùng lá lìm kìm chế biến thành nhiều món ngon như trộn gỏi với cá bống sao, tôm thẻ hay đem xào tỏi, nhúng lẩu cá, nấu canh với tôm, tép rất thanh vị và ngọt nước. Hiện các món ăn này đã có mặt trong nhiều khu du lịch sinh thái và được xem như món ngon không thể bỏ qua khi đến Cần Giờ.

Lìm kìm mọc thành từng bụi lớn, bám vào cây cối trong rừng ngập mặn để sinh trưởng, người dân hái lá thường đi vào buổi sớm, lúc mặt trời vừa ló dạng. Khi đó lá sẽ xanh mơn mởn, ít chát nhất và có vị mặn đặc trưng, hơi chua kèm hậu ngọt, đem đi trộn gỏi có độ giòn tươi ăn rất ngon.

Lá lìm kìm mọc dại và đem đi trộn gỏi với rau thơm, nước mắm chua ngọt. Ảnh: Vamsat

Lá lìm kìm mọc dại ở rừng ngập mặn Cần Giờ và đem đi trộn gỏi với rau thơm, nước mắm chua ngọt. Ảnh: Vamsat

Các khu du lịch sinh thái ở Cần Giờ thường phục vụ món gỏi lá lìm kìm với cá bống sao chiên giòn hoặc các loại cá khô. Lá sau khi hái về nhặt cuống rửa sạch và để ráo, thêm các loại rau thơm và hành tây thái mỏng để trộn cùng, không thể thiếu đậu phộng rang vàng đã lột vỏ, vừa để trang trí vừa giúp món ăn thêm ngon miệng.

Nước sốt trộn gỏi lá lìm kìm là nước mắm tỏi ớt chua ngọt được pha theo tỉ lệ 1:1. Tùy theo mùa trong năm mà đầu bếp cũng phải thay đổi công thức để thuận theo hương vị của lá lìm kìm ngoài tự nhiên. Chẳng hạn từ tháng 4 tới tháng 10 là mùa mưa thì lá lìm kìm rất mỏng, độ mặn không đáng kể, còn mùa khô thì lá dày, có vị mặn hơn nên nước sốt trộn cũng phải gia giảm để hài hòa.

Lá khi trộn gỏi được để nguyên, không cắt nhỏ như rau thơm và trộn với nước sốt thật nhẹ tay để lá không dập nát, làm mất độ giòn, ăn sẽ không ngon. Lúc này cá bống sao ăn cùng gỏi được chiên giòn vàng bên ngoài và phần thịt bên trong còn mềm ướt, tách lấy phần thịt và rưới nước mắm chua ngọt lên đều cho thấm vị.

Món gỏi lá lìm kìm trông lạ mắt, hấp dẫn với phần gỏi xanh ở giữa, mùi húng quế, rau răm tỏa hương thơm dịu nhẹ, xung quanh là thịt cá vàng ươm xếp đều. Thực khách gắp gỏi lá kết hợp với miếng cá ngọt thịt và cảm nhận vị tươi giòn của lá lìm kìm hòa quyện với nước mắm chua cay mặn ngọt, xen lẫn mùi thơm và vị béo bùi của đậu phộng. Món ăn dân dã mang hương rừng vị biển sẽ làm thực khách nhớ mãi.

Ngoài gỏi, lá lìm kìm cũng được đem nấu canh với tôm, tép dùng trong bữa cơm hàng ngày rất ngon. Điều thú vị khi thực hiện món ăn là không cần phải nêm muối vào canh. Trong lá lìm kìm có vị mặn tự nhiên hòa với vị thanh ngọt của tôm tươi, khi nấu chỉ cần thêm vào chút ít gia vị và tiêu xay là đã có tô canh hấp dẫn.

Huỳnh Nhi

[ad_2]

Source link