Mì gia Sài Gòn, Chợ Lớn vượt qua Covid | Đời sống

Nếu đã sống đủ lâu ở khu Chợ Lớn, Sài Gòn, bạn sẽ thấy những tiệm mì gia có tiếng ngày nào cũng đắt khách không tưởng và đã tồn tại hàng chục năm. Điều đó cũng đồng nghĩa, quán cũng là nhà của họ, vị trí mặt tiền phố chính, thậm chí là góc ngã ba, ngã tư.
Người Hoa ở Sài Gòn, Chợ Lớn rất coi trọng những vị trí làm ăn buôn bán thuận lợi. Do vậy, đợt dịch Cô Vy này, tiệm của họ có thể vắng nhưng không phải rơi vào tình trạng sang quán, trả mặt bằng. Một trong những nghề theo bước chân tha hương của họ đi khắp thế giới là nghề nấu ăn, trong đó có món mì, hủ tiếu, đủ nuôi sống cả gia đình thế hệ này qua thế hệ khác.

Riêng về món mì, muốn ăn ngon phải tới các tiệm “mì gia” của người Hoa, trước đây chỉ tập trung ở vùng Chợ Lớn, nay đã có mặt ở khắp các quận do sự di cư của đủ mọi nhóm người.

Món ngon đi xa là nhớ

Mì Tàu có đủ loại, mì Quảng Đông, mì Phúc Kiến, mì Tiều Châu, nhưng mì Quảng Đông vẫn phổ biến hơn cả và được người Việt ưa thích hơn. Mì Quảng Đông đặc trưng với sợi mì vàng, dai, giòn, thơm mùi trứng và có nước tro tàu, cọng to hay nhỏ là tùy vào sự ưa thích của chủ quán.

Một chủ tiệm mì gốc Hoa bật mí cho tôi biết tính cộng đồng của người Hoa rất cao, một tiệm mì ngon và đắt hàng thì sẽ không làm mì nữa mà tìm người chuyên làm mì giỏi hoặc đào tạo ai đó (họ hàng, người thân cận) làm mì cho quán họ.

Vừa rồi, trong tình trạng phong tỏa cả thế giới về du lịch, ai ở nước đấy thì anh bạn tôi nói đùa: Nói về du lịch “ăn uống” thì Sài Gòn, Chợ Lớn là nhất. Sang mấy nước châu Á, ừ thì tầm mắt có mở rộng về nhiều thứ, riêng chuyện ăn uống thì không sao ngon bằng ở nhà. Món Thái hấp dẫn chua cay mặn ngọt, ăn vài món thấy ngon, mà ăn riết thì nổi mụn luôn. Sang Singapore đi ăn mấy tiệm mì gia, cũng của người Hoa, sao lại thấy không bằng mì Chợ Lớn. Hóa ra, mì Tàu đã Việt hóa khá nhiều, rất hợp với khẩu vị của người Việt, cho nên đi đâu xa là nhớ.

Sài Gòn, Chợ Lớn ăn mì

Sáng sớm tinh mơ, chạy xe vào khu Chợ Lớn, đi ăn mì sườn Lò Siêu nhé. Tiệm mì nằm trên con phố không quá tấp nập nhưng thực khách ra vào không ngớt. Tiệm có mì sườn, mì sườn gà, cà phê, trà đủ cả, cứ như mô hình tiệm dimsum vậy. Nhìn những tảng sườn non trôi nổi trong nồi sôi sùng sục, bốc khói, người đầu bếp tay nhanh thoăn thoắt trụng mì, hất mì vào tô, dùng đũa xé cây sườn to tổ chảng cho vào bát, rưới gia vị và mang ra cho thực khách cùng chén nước lèo trong veo nhưng ngọt lừ. Vẫn còn tiếng Hoa “xủng xoẻng” tôi nghe chẳng hiểu gì nhưng mà thấy lạ và vui, cứ ngỡ như mình ở nước khác.

Nếu không muốn chạy xe vào Chợ Lớn thì lên khu quận 1 đi ăn mì cật ở 62 Trương Định. Bàn chế biến mì cũng ngay lối ra vào, với nồi nước sôi sùng sục, sợi mì kéo cao lên rồi hất vào tô trông rất ngoạn mục. Cật được xử lý rất khéo nên không có mùi hôi. Dường như đây là tiệm mì ưa thích của “quý ông” vì quan niệm ăn gì bổ nấy.

Tại số 108 Calmette cũng quận 1, nhiều người vẫn kiên nhẫn chờ đến lượt mình để ăn tô mì cá của quán có tuổi đời 70 năm. Đây là quán mì của chủ quán nguyên là gốc Tiều Châu, họ rất tài khi biết nấu mì với cá mà không bị tanh. Thực khách có thể ăn mì cá hoặc mì cật cá.

Đặc biệt, ở đây có phong cách ăn mì cho vào vài cái tóp mỡ giòn rụm, cùng với nước tương, sa tế, ăn vô cùng “bắt mì”, tạo ra một dấu ấn khó quên (ra nước ngoài, làm gì có cửa để ăn mì với tóp mỡ ở tiệm mì Hoa?). Có đủ sợi mì để lựa chọn: cọng mì to kiểu Phúc Kiến màu vàng, cọng mì Tiều sợi nhỏ, cọng mì dẹt, hủ tiếu mềm… loại nào cũng ngon vì được đặt làm riêng.


Món mì độc đáo của Sài Gòn, Chợ Lớn không thể không nhắc đến mì vịt mà ngay cả các nước châu Á hay Trung Hoa cũng không có món này. Món mì vịt được nấu với các gia vị thuốc Bắc kiểu Hoa như: đỗ trọng, trần bì (vỏ quýt), la hán quả, nấm đông cô, quế, hồi…, nhưng lại có cả gừng, sả, riềng, hành tím…

Những quán mì vịt có tuổi đời trên dưới 50 năm phải kể đến mì vịt tiềm Hải Ký (Nguyễn Trãi, Q.1), mì vịt tiềm Thiêm Huy (Nguyễn Trãi, Q.5), Lương ký mì gia (Huỳnh Mẫn Đạt, Q.Bình Thạnh), Huê Ký (Thuận Kiều, Q.5), Bồi Ký (Nguyễn Huy Tự, Q.1), Quyền Ký mì gia (Trần Cao Vân, Q.1), Tân Tòng Lợi (Võ Văn Tần, Q.3), mì vịt tiềm Hoàng Diệu (Hoàng Diệu, Q.4)…




Nguồn