Mark Zuckerberg vẫn bảo vệ quan điểm về bài viết của Trump

CEO Facebook, Mark Zuckerberg, vẫn giữ nguyên quan điểm về các bài viết của Trump dù bị không ít nhân viên phản đối.

Theo New York Times, Zuckerberg đã có một cuộc họp mở rộng qua hình thức trực tuyến với nhân viên hôm 2/6, trong đó, phần lớn thời gian nói về các bài đăng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. CEO Facebook khẳng định luôn minh bạch với nhân viên. Ông cho biết đã “đánh giá kỹ lưỡng” các bài viết của Tổng thống nhưng không chọn cách dán nhãn cảnh báo hoặc loại bỏ, đồng thời xem đây là hành động “khó khăn nhưng đúng đắn”.

CEO Facebook Mark Zuckerberg. Ảnh: Reuters.

CEO Facebook Mark Zuckerberg. Ảnh: Reuters.

Zuckerberg nói với nhân viên rằng sự lựa chọn của ông là nhằm đảm bảo nền tảng “có tự do ngôn luận”. “Bạn có thể nói những gì mình muốn trừ khi nó gây ra một tác hại cụ thể nào đó. Tôi mặc định ý kiến này là đúng”, Zuckerberg nêu quan điểm.

CEO Facebook cũng lập luận rằng, các bài đăng của Trump có nội dung “gây khó chịu, nhưng giá trị”, tương tự đoạn phim về cái chết của George Floyd đăng trên Facebook “tạo cho người xem một cảm giác đau đớn nhưng cũng mang tới cái nhìn chính xác về sự việc đang diễn ra”. “Đây là khía cạnh giúp mang đến cho mọi người tiếng nói, điều mà tôi tự hào”, Zuckerberg tiếp tục.

Nếu Twitter chọn cách đối đầu trực tiếp với Trump bằng cách loại bỏ các nội dung với lý do “không có căn cứ” hoặc “cổ vũ bạo lực”, Facebook có thái độ ôn hòa hơn. Tổng thống Mỹ thường đăng chéo nội dung trên Twitter sang Facebook, nhưng hầu như không bị can thiệp hoặc gắn cờ vi phạm.

Quyết định không can thiệp bài viết của Trump từ giới lãnh đạo Facebook đã khiến hàng chục nhân viên mạng xã hội này tỏ ra bất mãn, thậm chí chỉ trích công khai. Không ít người nói rằng bài đăng từ Trump vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, trong đó cấm ngôn ngữ kích động bạo lực nghiêm trọng.

Hôm 1/6, các nhân viên Facebook cũng đã đồng loạt nghỉ việc và để lại email tự động gửi cho lãnh đạo, chủ yếu chứa nội dung phản đối cách xử lý của công ty đối với bài đăng của ông Trump. Trong một số bức thư, nhóm nhân viên Facebook yêu cầu lãnh đạo cần có quan điểm cứng rắn hơn. Việc phản đối được gọi là “tuần hành ảo”, vì hầu hết nhân viên của mạng xã hội này đang làm việc từ xa do Covid-19.

Bên cạnh đó, ít nhất hai nhân viên Facebook tuyên bố nghỉ việc do công ty tư chối kiểm duyệt Trump. “Hôm nay tôi đã nộp đơn thôi việc lên Facebook”, Timothy Aveni, kỹ sư phần mềm của Facebook, viết trên LinkedIn. “Tôi không thể chịu đựng được việc Facebook tiếp tục từ chối đưa ra hành động cụ thể khi Trump đăng tải những thông điệp không hay đến công chúng Mỹ”.

Nhiều người làm việc trong lĩnh vực công nghệ cũng chỉ trích thái độ “thờ ơ” của Facebook với các trạng thái mà Trump đăng. Chuyên gia về dữ liệu Ayodele Odubela hôm 2/6 đã tweet một ảnh chụp màn hình, trong đó có nội dung phản ứng của cô khi được một nhà tuyển dụng của Facebook liên hệ. Cô đã từ chối làm việc cho công ty với lý do “Giám đốc điều hành của các bạn đã từ chối can thiệp những lời nói căm thù và bạo lực của Tổng thống”.

Facebook cũng bị ít nhất hai đối tác phản ứng trước quyết định không can thiệp vào nội dung Trump đăng tải. Rashad Robinson, Chủ tịch của Color of Change – công ty hợp tác với Facebook lâu năm ở mảng dân quyền – cho biết đã nói chuyện với Zuckerberg và COO Sheryl Sandberg hôm 1/6. Tuy nhiên, ông đã bày tỏ “sự thất vọng và choáng váng” trước những lời giải thích khó hiểu từ cả hai về việc cho phép Tổng thống đăng nội dung kích động bạo lực.

Talkspace, một doanh nghiệp cung cấp các giải pháp và nội dung trực tuyến, cũng tuyên bố chấm dứt thỏa thuận hợp tác với Facebook sau quyết định của Zuckerberg về việc không kiểm duyệt bài đăng của Trump, theo CNBC.

Một số ý kiến cho rằng, Mark Zuckerberg đang cố gắng “lấy lòng” Trump. Những động thái gần đây cho thấy, CEO Facebook giữ quan điểm trung lập và cố gắng tách biệt Facebook và Twitter. Ông thừa nhận đã “đấu tranh nội tâm” trước những bài đăng của Trump, nhưng cuối cùng quyết định không xóa vì không vi phạm điều khoản. Mark Zuckerberg cũng cho rằng các nội dung mang tính chính trị là vấn đề “nhạy cảm” và cần được “tôn trọng”. “Mạng xã hội không nên là trọng tài của sự thật”, ông nói.

Bảo Lâm

Nguồn