Lần đầu có khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ

[ad_1]

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam Vinasa công bố Khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thuộc 26 ngành nghề.

Tại diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam DX Summit 2021, diễn ra trực tuyến hôm nay, Vinasa cung cấp 26 bộ tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SME trong 26 lĩnh vực, ngành nghề thuộc ba khối: thương mại, dịch vụ và sản xuất.

Bộ tài liệu về Khung hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SME.

Bộ tài liệu Khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp SME.

Theo thống kê của Vinasa, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có hơn 811.000 doanh nghiệp, trong đó SME chiếm 98,1%. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến hàng nghìn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số được xem làm một trong những giải pháp then chốt giúp SME sống sót và bứt phá.

Thực tế, việc chuyển đổi số đã diễn ra vài năm qua nhưng Việt Nam vẫn chưa có khung hướng dẫn đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp loay hoay không rõ chuyển đổi số thực sự là gì, hay nên thực hiện thế nào. 72% doanh nghiệp tham gia khảo sát năm 2020 của Vinasa nói không biết bắt đầu từ đâu, 92% không biết chuyển đổi số thế nào và 69% lúng túng trong việc lựa chọn đối tác để triển khai chuyển đổi số.

Từ khảo sát này, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam đã thành lập Hội đồng với gần 40 chuyên gia để xây dựng Khung hướng dẫn Chuyển đổi số cho doanh nghiệp SME. Những chuyên gia này đều là lãnh đạo cấp cao từ các công ty công nghệ có kinh nghiệm và dẫn đầu về chuyển đổi số như FPT, FSI, Misa, Viettel, VNPT, Base… Với khung hướng dẫn mới, doanh nghiệp SME được cho là có thể dễ dàng áp dụng vào thực tế của công ty tuỳ theo quy mô và năng lực.

“Quá trình chuyển đổi số vẫn còn là thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều quy trình chưa được tự động hóa, nhiều phương pháp làm việc thủ công vẫn được duy trì. Nhiều SME đang tập trung giải quyết sự kém hiệu quả của cách làm cũ. Họ chỉ mới bắt đầu tạo ra một kế hoạch chuyển đổi số và hành trình đó còn rất nhiều việc cần giải quyết”, ông Cao Hoàng Anh, đại diện công ty FSI – thành viên hội đồng, nhận định.

Theo ông, một số rào cản mà doanh nghiệp SME đang phải đối mặt khi chuyển đổi số là thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ đủ mạnh, thiếu tư duy số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp… “Để SME không bị gạt bên lề chuyển đổi số, cần giải pháp giúp họ tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa về vận hành và phù hợp với từng quy mô doanh nghiệp”, ông Hoàng Anh nói.

Các diễn giả tham gia sự kiện Vietnam DX Summit 2021 ngày 2/12.

Các diễn giả tham gia sự kiện Vietnam DX Summit 2021 ngày 2/12.

Nội dung của Khung hướng dẫn Chuyển đổi số

Bộ tài liệu của Vinasa gồm 5 phần cơ bản là Thực trạng và xu hướng phát triển; Khung hướng dẫn chuyển đổi số; Bộ giải pháp chuyển đổi số; Khuyến nghị kỹ năng số cần đào tạo cho nhân sự; và Bộ tiêu chí đánh giá.

Đối với Thực trạng và xu hướng phát triển, tài liệu đưa ra góc nhìn tổng thể về tình hình, mô hình, loại hình doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, và quan trọng hơn là những xu hướng phát triển của ngành đó thời gian tới.

Phần Khung hướng dẫn chia làm hai loại là cơ bản và chuyên dụng. Khung cơ bản là các giải pháp và dịch vụ chuyển đổi số cơ bản mà hầu hết các lĩnh vực đều cần với ba cấp độ: siêu nhỏ, nhỏ và vừa để doanh nghiệp lựa chọn dựa trên thực tế. Khung chuyên dụng là giải pháp chỉ ngành nghề hoặc lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới sử dụng, như tự động hóa, dữ liệu lớn, AI để phân tích kinh doanh.

Bộ giải pháp là sự khác biệt trong trong các tài liệu hướng dẫn của Vinasa. Với mỗi công cụ mà doanh nghiệp SME cần trong các cấp độ chuyển đổi số ở trên, hội đồng xây dựng một bộ giải pháp kèm theo để tư vấn và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số thành công hay không do yếu tố quyết định là con người. Vì vậy, phần Khuyến nghị đề cập những kỹ năng số cần được đào tạo cho các lãnh đạo, cán bộ nhân viên, được phân loại theo yêu cầu hệ thống và theo trình độ.

Cuối cùng, Bộ tiêu chí đánh giá là bảng liệt kê các tiêu chí giúp SME có thể tự chấm điểm mức độ chuyển đổi số của mình.

Đại diện Vinasa cho biết sẽ cùng các thành viên hội đồng phối hợp với các hiệp hội, sở, ban ngành để triển khai chương trình tập huấn cho các SME theo từng ngành, từng lĩnh vực chuyên biệt.

“Hội đồng hướng đến mục tiêu tạo ra một bộ bản đồ chuyển đổi số bải bản, đầy đủ nhưng đơn giản từ phương pháp luận đến giải pháp cụ thể”, ông Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch Vinasa, nói. “Bản đồ mà một doanh nghiệp SME ở bất cứ quy mô nào, thuộc ngành nghề hoạt động gì cũng có thể xem và biết mình đang ở đâu, lộ trình chuyển đổi số thế nào, cần chuẩn chuẩn bị hành trang gì, cũng như hành trang đó do ai cung cấp”.

Diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam là sự kiện được tổ chức thường niên của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Vinasa. Chương trình năm nay diễn ra từ ngày 1/12 đến 4/12 với sự tham gia của 80 diễn giả, tập trung vào những vấn đề nóng của chuyển đổi số tại Việt Nam.

Bảo Lâm

[ad_2]