Khu phố mang hương vị Bắc giữa Sài Gòn

[ad_1]

TP HCMĐặc sản Bắc trên đường Chu Mạnh Trinh món gì cũng sẵn, mùa thu có cốm Vòng, từ đông sang xuân có cam Canh, bưởi Diễn…

Đi qua đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, bạn sẽ bắt gặp một loạt gian hàng chuyên bán thực phẩm mang hương vị miền Bắc, phía trước treo các bảng chữ “Đặc sản Hà Nội, trà Bắc, giò, thủ, bánh cuốn Thanh Trì”… Theo người bán, đặc sản miền Bắc tại đây “món gì cũng có”.

Cô Kim Phương, chủ một cửa hàng, giới thiệu tiệm nhà mình chuyên bán các mặt hàng quen thuộc ở Hà Nội, từ thực phẩm ngắn ngày như giò chả, bánh chưng, bánh giầy, cốm, rau củ quả đến các loại thực phẩm phơi khô, dùng lâu như miến dong, măng khô, măng lưỡi lợn, măng vầu…

“Thực phẩm khô quanh năm đều bán được, nhưng thực phẩm tươi thì phải theo mùa, mùa nào thức nấy. Hiện cửa hàng có hồng, cốm làng Vòng, sắp tới sẽ có cam Canh, bưởi Diễn. Giò chả, xôi, cơm rượu… thì mỗi ngày đều có hàng. Tất cả đều mang từ Bắc vào”, cô Phương nói.

Tiệm đặc sản Bắc hơn 20 năm trên đường Chu Mạnh Trinh. Ảnh: Huỳnh Nhi

Tiệm đặc sản Bắc hơn 20 năm trên đường Chu Mạnh Trinh. Ảnh: Huỳnh Nhi

Do đường xa nên tùy loại hàng mà người bán sẽ có cách vận chuyển khác nhau, có hàng sẽ đi bằng ôtô, có hàng đi máy bay. Giá sản phẩm cũng sẽ chênh lệch nhiều.

“Hàng đi máy bay thì khách đặt trong ngày hoặc sang hôm sau sẽ có, còn hàng đi ôtô phải mất 2-3 ngày. Những thực phẩm ngắn ngày, ăn liền như cốm tươi gói lá sen, các loại rau củ quả như su hào, bắp cải, mướp tươi… phải đi máy bay để giữ được độ tươi, ngon. Giá cùng loại hàng khác cách vận chuyển cũng chênh lệch khoảng 20.000 đồng/kg”, cô Phương chia sẻ thêm.

Giá thành chênh lệch nhưng nhờ hương vị đặc trưng mà khách tại Sài Gòn vẫn chuộng rau củ Bắc dù tại miền Nam có trồng. Một chủ cửa hàng gần đó cho biết thêm: “Ngoài Bắc khí hậu lạnh, su hào, bắp cải đến mùa ăn ngọt và ngon, còn ở đây thì ăn không ngon bằng nên người ta phải vận chuyển từ miền Bắc vào Nam”.

Để thực phẩm ngắn ngày luôn đảm bảo chất lượng, các cửa hàng bán đặc sản Bắc đều nhập mới hàng hóa liên tục, từ bánh nếp đến cơm rượu, chè, xôi và giò chả.

Cơm rượu miền Bắc được nấu từ nếp lức và nếp than có mùi thơm, ngọt, hạt tách nhỏ được đựng trong hộp. Ảnh: Huỳnh Nhi

Cơm rượu nếp miền Bắc có mùi thơm, ngọt, hạt tách nhỏ được đựng trong hộp. Ảnh: Huỳnh Nhi

Ngoài việc nhập các mặt hàng Bắc về bán, một số gia đình trên phố này cũng tự làm thực phẩm Bắc bán cho khách, vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển, giá thành sản phẩm được hạ xuống, mùi vị không thay đổi nhiều.

“Bánh cuốn nhà tôi cũng tự làm rồi để vào hộp xốp, ai mua đem bỏ bọc bán là xong, còn giò chả thì cũng làm tại nhà, mang từ quận Gò Vấp lên”, cô Kim Liên, chủ cửa hàng trên đường Chu Mạnh Trinh, nói.

Cầm trên tay chai dấm bỗng, một loại gia vị đặc trưng của miền Bắc thường dùng để nấu bánh đa cua, bún riêu, bún ốc, một khách hàng chia sẻ: “Tôi thường ghé cửa hàng mua bánh giầy và các loại gia vị miền Bắc, cận Tết sẽ ghé mua măng khô. Tôi mua ở đây cũng mười mấy năm rồi, quen ăn hương vị đó và cách nấu món Bắc, gia đình tôi là người gốc Bắc mà”.

Cam Canh được vận chuyển từ miền Bắc vào Sài Gòn. Ảnh: Huỳnh Nhi

Cam Canh được vận chuyển từ miền Bắc vào Sài Gòn. Ảnh: Huỳnh Nhi

Trước đây, đường Chu Mạnh Trinh là nơi tập trung buôn bán của nhiều cửa hàng, sau giải phóng mặt bằng để làm vỉa hè nên số lượng cửa hàng giảm đi. “Có người không bán nữa hoặc di dời nhưng cửa hàng tôi vẫn ở đây, vẫn bán đặc sản Bắc, bao năm qua thế nào thì bây giờ vẫn vậy, còn người mua là mình cứ bán”, cô Phương chia sẻ.

Huỳnh Nhi

[ad_2]

Source link