Huawei ‘vỡ mộng’ thống trị 5G thế giới

Việc bị Anh loại khỏi hệ thống 5G là một “đòn đau” với công ty Trung Quốc khi hãng đang nỗ lực thống trị thế giới về viễn thông.

Hai năm gần đây, bất chấp bị Mỹ cáo buộc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia cũng như thực hiện nhiều lệnh cấm, Huawei vẫn tìm cách phát triển và kinh doanh mảng 5G. Hãng vẫn đảm bảo đơn hàng với hàng chục mạng viễn thông từ khắp nơi thế giới, nhiều đơn vị trong số đó tới từ châu Âu.

Huawei khó trở thành nhà cung cấp 5G hàng đầu trên thế giới nếu tiếp tục bị các quốc gia châu Âu ra lệnh cấm. Ảnh: CNN.

Huawei khó trở thành nhà cung cấp 5G hàng đầu trên thế giới nếu tiếp tục bị các quốc gia châu Âu ra lệnh cấm. Ảnh: CNN.

Sự đảo ngược quyết định của chính phủ Anh là “cú đánh đau thấu xương tuỷ” với Huawei và có thể gây ra nhiều rắc rối tiếp nữa. “Quyết định của Anh sẽ nhắc nhở các nước châu Âu phải đánh giá lại nguy cơ khi sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G”, Carisa Nietsche, nhà nghiên cứu tại New American Security, một cơ quan cố vấn của Washington, nêu quan điểm. “Anh từ lâu đã trở thành quốc gia tạo xu hướng. Bây giờ, Anh lại cấm Huawei. Các nước châu Âu khác có thể sẽ làm theo”.

Một số dự đoán cho rằng, Đức có thể là quốc gia tiếp theo cấm Huawei. Tại quốc gia này, Deutsche Telekom là nhà mạng phụ thuộc vào thiết bị của công ty viễn thông Trung Quốc cao nhất, tới 90%.

Tuy nhiên, Paul Triolo, người đứng đầu mảng công nghệ tại Eurasia Group, tiết lộ, các cuộc tranh luận về vai trò và tỷ lệ thiết bị Huawei đang có mặt bên trong mạng lưới viễn thông của nhà mạng tại đây đã tăng lên đáng kể trong những tháng gần đây. Không ít trong số đó bàn về việc loại bỏ sản phẩm Huawei khỏi hệ thống.

Trong khi đó, chính quyền Washington đang cố gắng tận dụng các mối quan hệ để thúc đẩy Đức cấm Huawei. Đầu tuần này, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã đến Paris (Pháp) để hội đàm với các đối tác từ Pháp, Đức, Anh và Italy trong ba ngày. Mạng 5G là một trong số các lĩnh vực quan trọng nằm trong chương trình nghị sự .

Trước khi lọt vào “danh sách đen” của chính quyền Trump, Huawei đặt ra hàng loạt mục tiêu đầy tham vọng, trong đó có việc vượt qua Samsung để trở thành công ty sản xuất smartphone hàng đầu thế giới trong 2020. Công ty cũng định hướng để trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu.

Thực tế, Huawei đã đạt được mục tiêu thứ nhất, khi tháng 4 và tháng 5 vừa qua, công ty là nhà sản xuất smartphone có doanh số cao nhất trên toàn cầu. Thế nhưng, mục tiêu thứ hai đang trở nên xa vời hơn.

Công ty Trung Quốc cho biết, đầu năm nay hãng đã giành được 91 hợp đồng 5G thương mại, hơn một nửa (47) là ở châu Âu, 27 ở châu Á và 17 ở các khu vực khác. Nhưng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến các hợp đồng, đặc biệt là tại châu Âu có nguy cơ “tan vỡ”.

“Không phải mọi quốc gia châu Âu đều nhất thiết phải nghe theo quyết định của Anh. Nhưng lệnh cấm của Anh có nghĩa là, thị trường kinh doanh 5G của Huawei sẽ nhỏ hơn, lợi nhuận trong tương lai cũng thấp hơn”, nhà phân tích Edison Lee của Jefferies nói.

Trước quyết định của Anh, phía Trung Quốc cho rằng đó là sai lầm. “Trung Quốc sẽ đánh giá đầy đủ, nghiêm túc và toàn diện vấn đề này, đồng thời sẽ thực hiện loạt biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, nhấn mạnh. “Bất kỳ quyết định và hành động nào của Anh đều phải trả giá”.

Một số quốc gia tại châu Âu lo ngại sẽ bị Trung Quốc trả đũa. Chẳng hạn, có nguồn tin tiết lộ các quan chức Đức đang lo lắng việc loại Huawei khỏi các dự án 5G có thể bị phía Bắc Kinh loại bỏ các nhà xuất khẩu lớn. Thống kê của chính phủ Đức cho thấy, nước này hiện xuất khẩu 114 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc năm 2019, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Mỹ.

Không ít chuyên gia lo ngại, các nước loại hệ thống 5G của Huawei sẽ khó tiên phong trong mạng di động này thời gian tới. Hiện, Nokia và Ericsson là hai cái tên có thể lựa chọn, nhưng việc chuyển đổi có thể kéo dài nhiều năm, đi kèm các hệ lụy về tài chính và gián đoạn dịch vụ.

“Khi các nhà mạng buộc phải thay đổi nhà cung cấp, chắc chắn họ phải loại bỏ những hạ tầng cũ – những thiết bị hoạt động tốt trong những năm qua. Đây sẽ là sự gián đoạn lớn đối với các kế hoạch kinh doanh của nhà mạng”, Lee nhận định.

Trước đó, một nghiên cứu được Oxford Economics thực hiện trước đó cho thấy việc hạn chế Huawei tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng 5G ở Anh sẽ làm chi phí triển khai tăng từ 9% đến 29%. Philip Jansen, người đứng đầu BT (công ty mẹ của nhà mạng EE) cho biết ngày 13/7 rằng, thời hạn 3 năm là quá ít để thay đổi, thay vào đó phải là 7 năm. Trong khi đó, Vodafone cho biết việc loại bỏ thiết bị Huawei khỏi hạ tầng mạng trong thời gian ngắn sẽ làm tiêu tốn “hàng tỷ USD”.

Bảo Lâm (theo CNN)

Nguồn