HoREA chỉ ra các mặt lợi, hại khi giao dịch condotel


Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng, các bộ ngành liên quan, đề nghị sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để phát triển căn hộ du lịch (condotel) từ trường hợp Cocobay Đà Nẵng ngừng cam kết lợi nhuận 12%/năm.


 


Chủ đầu tư được lợi, khách hàng bị rủi ro từ lỗ hổng pháp lý


 


Nói về các dự án condotel cam kết lợi nhuận 8 – 12%/năm, cá biệt lên đến 15%/năm trong 8 – 12 năm, HoREA cho rằng đã đẩy rủi ro cho khách hàng, vì trong các hợp đồng bán căn hộ condotel, các chủ đầu tư đã không hề đưa ra giải pháp để đảm bảo thực hiện đúng cam kết trả lợi nhuận.


 


Theo Hiệp hội, chủ đầu tư bán condotel hình thành trong tương lai nhằm mục đích huy động vốn để thực hiện dự án, thu hồi vốn nhanh và chốt lời nhanh. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản lại có “lỗ hổng”, chỉ quy định các điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng lại không quy định điều kiện bán các loại bất động sản khác hình thành trong tương lai, bao gồm condotel. 


 


HoREA chỉ ra 5 điểm lợi của chủ đầu tư khi thực hiện phương án bán hàng trên, gồm: (1) Bán nhanh, thu hồi vốn nhanh, chốt lời nhanh; (2) Có thêm nguồn vốn bổ sung thay thế một phần vốn vay tín dụng; (3) Được quyền kinh doanh căn hộ condotel đã bán cho nhà đầu tư thứ cấp; (4) Có lợi so với đi vay ngân hàng, mặc dù phải trả lợi nhuận cao cho nhà đầu tư thứ cấp; (5) Được nhà đầu tư thứ cấp cùng gánh chịu, chia sẻ rủi ro trong quá trình khai thác, kinh doanh về sau. 


 


Trong khi đó, khách hàng lại có thể bị nhiều rủi ro và thua thiệt như giá bán căn hộ condotel cao, tương đương với giá bán căn hộ cao cấp tại TP HCM nên gần như chủ đầu tư không bị rủi ro vì đã thu hồi ngay vốn đầu tư và thu được cả lợi nhuận. Rủi ro trong kinh doanh condotel về sau, chủ yếu thuộc về khách hàng. Trong các hợp đồng mua bán căn hộ condotel, chủ đầu tư không đưa ra các giải pháp bảo đảm thực hiện đúng cam kết trả lợi nhuận, dẫn đến rủi ro thuộc về khách hàng. Chủ đầu tư cũng không có thỏa thuận cụ thể nào về việc hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp kinh doanh căn hộ condotel sau khi hết hạn cam kết lợi nhuận (sau 8-12 năm).


 


Đề nghị cải thiện pháp lý


 


Hiệp hội đề nghị cấp sổ đỏ có thời hạn theo thời hạn của dự án cho khách hàng – nhà đầu tư thứ cấp. Về thủ tục hành chính, trước hết, chủ đầu tư dự án condotel xin cấp sổ đỏ căn hộ condotel cho chủ đầu tư. Sau khi thực hiện hợp đồng mua bán condotel, chủ đầu tư làm tiếp thủ tục chuyển tên trên sổ đỏ cho khách hàng. Cách làm này tương tự như cấp sổ đỏ cho căn hộ thuộc dự án nhà ở thương mại. Khi hết hạn sử dụng đất thì chủ sở hữu được gia hạn nếu có nhu cầu theo quy định của pháp luật đất đai. 


 


HoREA cũng đề nghị quy hoạch đất du lịch trong đất thương mại dịch vụ, có thời hạn tối đa 50 năm (trường hợp đặc biệt không quá 70 năm), trong đó có đất du lịch dùng để phát triển condotel. Trên cơ sở đó, người mua sản phẩm condotel trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn theo thời hạn của dự án.   


 


Hiệp hội đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường trình Chính phủ để hướng dẫn các địa phương về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ condotel và quyền sử dụng đất (có thời hạn) theo thời hạn sử dụng đất của dự án cho khách hàng.


 


Đồng thời, HoREA đề nghị bổ sung quy phạm pháp luật (mới), quy định các hành vi có liên quan đến kinh doanh bất động sản (bán nhà ở hoặc condotel hình thành trong tương lai) trước thời điểm giao kết hợp đồng như đặt cọc, hứa mua hứa bán, góp vốn đầu tư, hợp tác đầu tư… Trong đó, giá trị đặt cọc không quá 5 – 10% giá trị hợp đồng. 


 


Lê Xuân


 



Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.



Nguồn