Học sinh nghèo xoay xở học online

[ad_1]

Ba chị em cùng học online nhưng cả nhà chỉ có chiếc điện thoại thông minh, Khuất Thị Thanh Lam ở Phúc Thọ, Hà Nội, thấp thỏm không yên.

Vượt qua điểm sàn xét tuyển, Lam nhiều khả năng trúng tuyển vào trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). Nhưng nữ sinh lo không biết những tháng tới học hành ra sao nếu trường tổ chức dạy trực tuyến.

Là chị cả, Lam còn một em năm nay vào lớp 12 và một em lớp 5. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông báo học sinh học online bắt đầu từ ngày 6/9. Nếu trúng tuyển và nhập học đại học, nhiều khả năng Lam cũng phải học tập theo hình thức này bởi Hà Nội và nhiều địa phương phải giãn cách theo Chỉ thị 16.

Nhưng cả nhà Lam chỉ có hai chiếc điện thoại, một cái “thông minh” có thể học online, một cái “cục gạch” mờ hết bàn phím, đến nhắn tin cũng khó. Thiết bị không có, Lam chỉ còn biết trông chờ vào lịch học của ba chị em. Nếu may mắn lệch nhau, em mới có thể bớt lo phần nào.

Hai năm nay, ba chị em đã trải qua 4 đợt học trực tuyến. Đợt đầu, em út học tối, em thứ hai học chiều và Lam học sáng nên mọi chuyện dễ dàng. Hàng ngày, bố mẹ không mang điện thoại đi làm, cắm sạc cả ngày, xin dùng nhờ wifi nhà hàng xóm để ba chị em học. Dù mạng giật, màn hình liên tục “đứng yên” và không thu nhận được mấy kiến thức, Lam vẫn thấy “còn hơn là không học được gì”.

Năm vừa rồi, lịch học trùng với một em, mẹ Lam phải mượn điện thoại hàng xóm. Có buổi không mượn được ai, nữ sinh nhường máy cho em học, còn mình qua nhà bạn học nhờ. “Lúc đó, thành phố không giãn cách nên em vẫn có thể qua nhà bạn. Nhưng nếu giờ cả ba cùng học online, em lại mới lên đại học, chưa quen bạn bè, cũng không thể bỏ tiết, chưa biết phải giải quyết thế nào”, Lam nói.

Bố làm thợ xây, mẹ thu mua sắt vụn, khi chưa có dịch, gia đình cũng có đồng ra đồng vào. Bây giờ bố mẹ không được đi làm, cả nhà trông vào 10 thước ruộng. Gia đình gặp khó nên nữ sinh chưa dám ngỏ lời bảo bố mẹ vay tiền mua thêm điện thoại cho ba chị em. “Em chỉ mong trúng đại học, sau đó lại xem lịch học của hai em ra sao. Hy vọng lịch học lệch với hai em”, Lam nói.

Ngôi nhà của Khuất Thị Thanh Lam ở Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Hồng Nhiệm

Ngôi nhà của Khuất Thị Thanh Lam ở Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Nhiệm Hồng

Lê Văn Hoàng, học sinh lớp 9 trường THCS Võng Xuyên A, huyện Phúc Thọ, cùng đang lo lắng khi em và em trai học lớp 6 cùng học online, nhưng cả nhà chỉ có một chiếc điện thoại thông minh của mẹ. “Năm ngoái, em phải mượn điện thoại của cô, nhưng năm nay con nhà cô cũng vào lớp 1, lại phải chấp hành giãn cách nên giờ cũng chưa tính sao”, Hoàng nói.

Bố mất do tai nạn từ khi em trai còn trong bụng mẹ, mẹ phải nghỉ việc ở công ty may do dịch bệnh, Hoàng chỉ biết bảo mẹ làm sao mượn được thiết bị để học. Chị Nhã, mẹ của Hoàng, dự định vay anh em chút ít để mua thêm điện thoại rẻ tiền cho các con dùng.

“Không có thu nhập, tháng qua gia đình được nhà nước hỗ trợ tiền hộ nghèo và tiền học của hai cháu, được 2 triệu đồng. Đứa lớn được trường hỗ trợ sách vở. Đứa bé lớp 6 phải dùng sách giáo khoa mới, mua hết 700.000 đồng, chưa kể tiền mua đồ dùng học tập. Cộng thêm khoản chi tiêu ăn uống hàng ngày, tiền hỗ trợ cũng gần hết”, người mẹ nhẩm tính.

Năm ngoái dùng nhờ mạng hàng xóm, do chập chờn nên chị Nhã đăng ký gói mạng cho con học. Gói giá hơn 600.000 đồng cho nửa năm và được trả sau nên giờ chị chưa đến hạn phải lo. Thế nhưng việc thiếu thiết bị khiến chị ngày nào cũng nơm nớp. “Nếu vì học online mà giảm sút kết quả, tôi cảm thấy rất có lỗi với con”, chị Nhã nói.

Thiếu máy tính, điện thoại học online cũng là tình trạng chung của nhiều học sinh gia đình khó khăn. Đức Hải, học sinh lớp 8 một trường THCS ở TP Thủ Đức, TP HCM, học online từ hai năm trước, ba đã nhường điện thoại cũ cho em rồi mua “cục gạch” để nghe gọi. Điện thoại cũ, wifi sử dụng chung với hàng xóm nên rất yếu. Nhiều lần được thầy cô gọi tên phát biểu, âm thanh rè, đứt đoạn, lâu dần khiến Hải tự ti, không dám giơ tay phát biểu hoặc thắc mắc.

Hải mơ ước có máy tính bảng hoặc máy tính bàn để thuận tiện cho việc học trực tuyến. “Rất nhiều tài liệu, video bài giảng nếu có màn hình rộng sẽ xem tốt hơn, có thể vừa mở vừa ghi chép. Dùng điện thoại nhỏ, em thường xuyên mỏi mắt khi đọc tài liệu thầy cô gửi”, Hải nói.

Phương tiện thiếu thốn, không gian học tập của nam sinh cũng không thoải mái. Ba mẹ từ quê lên Sài Gòn lập nghiệp hơn 10 năm nay, tuổi thơ của Hải gắn bó với khu trọ dành cho công nhân đông người, chật chội. Các dãy nhà trọ cách nhau chỉ một lối đi vừa hai xe máy tránh nhau, thời điểm giãn cách xã hội nên nhà trọ càng thêm đông người, rất ồn ào.

“Trừ ban đêm với giờ nghỉ trưa, hầu như lúc nào khu trọ cũng ồn, mấy hôm trời nắng lại càng thêm ngột ngạt. Em phải dọn một góc trên gác trọ, đặt điện thoại, sách vở lên cái bàn xếp để ngồi khoanh chân mà học”, Hải kể về những ngày học trực tuyến trước đó.

Vừa qua, nghe thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM sẽ sản xuất các chương trình bài giảng để phát trên truyền hình, Hải rất mừng. Với cậu học trò nghèo, đây như những giờ “học thêm” miễn phí để củng cố kiến thức.

Khó khăn về vật chất nhưng bù lại Hải được ba mẹ động viên việc học. Sách vở, đồ dùng học tập được mua sắm đầy đủ dù mẹ em cũng mất thu nhập nhiều tháng qua. “Hai năm rồi em đều được học sinh khá, có năm suýt được giỏi. Ba em hứa nếu năm nay học sinh giỏi sẽ mua cho chiếc máy tính”, Hải nói.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã đề nghị tất cả trường học thống kê số học sinh không thể tham gia học trực tuyến bởi không có thiết bị, đường truyền hoặc thiếu một trong hai yếu tố. Chưa có thống kê toàn thành phố, nhưng ở nhiều trường trung học, con số này dao động 10-20. Trường vùng ven, số này lớn hơn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho biết ngành đã kêu gọi người dân có điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay cũ, không có nhu cầu sử dụng chia sẻ với học sinh nghèo. Ở nhiều trường, thầy cô đang góp thiết bị cũ hoặc góp tiền mua điện thoại cho những em khó khăn.

Mạnh Tùng