Đường bay mới phá thế độc quyền đến Côn Đảo

Bamboo Airways là hãng hàng không mới nhất mở đường bay thẳng tới Côn Đảo, phá thế độc quyền nhiều năm nay của VASCO.

Côn Đảo với tiềm năng phát triển du lịch tự nhiên và tâm linh là tầm ngắm của nhiều hãng hàng không. Năm 2019, theo thống kê của Sở du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, Côn Đảo đón gần 400.000 lượt khách, tăng 37% so với năm 2018. Sau giai đoạn giãn cách xã hội, tần suất khai thác chuyến bay giữa TP HCM/Cần Thơ đi Côn Đảo có ngày đạt tới 21 chuyến, thuộc top phục hồi nhanh nhất.

Tiềm năng phát triển du lịch của Côn Đảo được đánh giá là chưa khai thác hết khi nhu cầu lớn nhưng ít đường bay, hạ tầng giao thông khó khăn. Hành khách đi đường hàng không từ các tỉnh phía Bắc muốn đến phải di chuyển hai chặng, thời gian bay và nối chuyến tổng cộng 4 đến 5 tiếng đồng hồ. Khách đi tàu từ TP HCM hoặc Bà Rịa – Vũng Tàu còn khó khăn hơn khi mất từ 4-9 tiếng, trong điều kiện biển lặng.

Nhu cầu bay cao, dư địa khai thác lớn, nhưng tính đến hiện tại, chỉ có 2 hãng hàng không khai thác đường bay tới Côn Đảo. Trong đó mới nhất là Bamboo Airways với 3 đường bay thẳng kết nối Hà Nội, Vinh, Hải Phòng đến Côn Đảo từ 12/9. Với đường bay mới, hãng hàng không này phá thế độc quyền của VASCO (thuộc Vietnam Airlines) từ nhiều năm nay, chặng TP HCM- Côn Đảo. Trước đó có Mekong Air với chặng Hà Nội – Côn Đảo nhưng hãng này đã dừng hoạt động từ năm 2012.

Lý giải về tần suất khai thác đường hàng không hạn chế tại Côn Đảo, ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, không phải hãng nào cũng đáp ứng được điều kiện về hạ tầng sân bay Côn Đảo. Độ dài đường băng tại Côn Đảo là hơn 1.800 m, chỉ phục vụ được các loại máy bay cỡ nhỏ. Đại diện Cục hàng không cho biết, có nhiều hãng đề xuất khai thác nhưng không được do tàu bay không đáp ứng được nhu cầu an toàn và duy trì hiệu quả kinh tế.

Nói về thế độc quyền trước đây của VASCO, ông Cường cho biết đó là “độc quyền vì khó khăn”. Máy bay của hãng này tới Côn Đảo cũng chỉ chở tối đa được 68 khách mỗi chuyến, trong đó 2 ghế cho thợ máy kỹ sư để đáp ứng điều kiện an toàn. “Việc đạt tối đa 24 lượt đến Côn Đảo mỗi ngày là sự cố gắng lớn”, ông Cường khẳng định

Ông Võ Huy Cường tại tọa đàm Bay thẳng tới Côn Đảo: Trải nghiệm thiên đường du lịch mới tại FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Ông Võ Huy Cường tại tọa đàm “Bay thẳng tới Côn Đảo: Trải nghiệm thiên đường du lịch mới” tại FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Cao Tuấn.

Với dòng máy bay máy bay Embraer do Bamboo Airways đưa vào khai thác, đại diện Cục Hàng không cho rằng hãng đã đầu tư nghiên cứu, tính toán tàu bay kỹ lưỡng để đáp ứng điều kiện đường bay hiện tại của Côn Đảo.

Với đề xuất kéo dài đường băng của sân bay Côn Đảo, theo ông Cường, là vì vấn để bảo tồn vẻ hoang sơ và ý nghĩa lịch sử của Côn Đảo cho nhiều thế hệ. “Để đi lại thuận lợi là tốt, nhưng sân bay cắt ngang một khoảng của đảo, nối liền hai vịnh. Về lâu dài, chúng ta không đảm bảo Côn Đảo còn là Côn Đảo khi kéo dài đường cất/hạ cánh”, ông nói.

Kỳ vọng từ đường bay mới

Ba đường bay thẳng mới do Bamboo Airways khai thác từ 29/9, vé mở bán từ 0h ngày 12/9, được dự báo sẽ là cú hích quan trọng góp phần thúc đẩy du lịch Côn Đảo.

“Với đường bay mới của Bamboo Airways, khách du lịch từ miền Bắc có thể di chuyển thuận tiện hơn, không phải nối chuyến từ TP HCM hay Cần Thơ. Chúng tôi đã và đang cố gắng phát triển cơ sở hạ tầng, hiện khá nhiều nhà đầu tư đang thi công nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho du khách”, ông Trịnh Hàng, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay.

Ưu tiên kết nối Vinh, Hải Phòng, Hà Nội đến Côn Đảo, ông Đặng Tất Thắng – Tổng giám đốc Bamboo Airwayscho biết, lý do bởi 90% khách du lịch Côn Đảo là người miền Bắc vì nơi đây nổi tiếng với du lịch tâm linh. Đại diện hãng hàng không cũng cho biết sẽ triển khai các hoạt động hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong quá trình khai thác. Trong đó, với mỗi vé bán ra, Bamboo Airways trích từ 10.000 đến 20.000 đóng góp quỹ bảo tồn rùa biển Côn Đảo.

Phong Vân

Nguồn