Dự báo giá xăng mới nhất: Giá xăng sắp tăng tiếp

Giá xăng dầu thế giới gần đây liên tục tăng mạnh nên giá bán lẻ trong nước ngày mai được dự báo tăng trên dưới 1.000 đồng mỗi lít.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 22/5 với RON 92 là 33 USD một thùng, xăng RON 95 là 35,92 USD một thùng, cùng tăng khoảng 35% so với kỳ trước. Giá dầu trung bình cũng biến động liên tục, có ngày lên mức 34,9 USD một thùng.

Theo một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM, thị trường thế giới liên tục tăng mạnh những ngày qua nên tại kỳ điều chỉnh ngày mai (28/5), nếu cơ quan quản lý giữ nguyên mức chi Quỹ bình ổn, giá xăng sẽ tăng khoảng 1.200-1.800 đồng, còn giá dầu cũng thêm khoảng 1.200-1.400 đồng một lít.

“Còn nếu cơ quan quản lý trích sử dụng quỹ bình ổn theo tỷ lệ 50/50, giá xăng có thể tăng quanh mức 700-1.200 đồng một lít”, lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở TP HCM nói.

Để giảm tình trạng giá xăng tăng giá sốc, giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, Quỹ bình ổn đang dư khá nhiều nên có thể tại kỳ điều hành này giá xăng dầu sẽ tăng dưới 1.000 đồng và cơ quan quản lý sẽ trích sử dụng quỹ.

Nhân viên cây xăng đang bán hàng cho khách ở TP HCM. Ảnh: Như Quỳnh.

Nhân viên cây xăng đang bán hàng cho khách ở TP HCM. Ảnh: Như Quỳnh.

Tại kỳ điều hành ngày 13/5, mỗi lít xăng tăng 578-604 đồng, dầu giảm 83-125 đồng một lít. Đồng thời, nhà điều hành không chi quỹ bình ổn, trích thêm từ Quỹ bình ổn giá 100 đồng một lít xăng E5 RON92, xăng RON95 là 800 đồng. Dầu diesel trích Quỹ bình ổn giá 1.400 đồng, diesel là 1.600 đồng và madut 500 đồng một kg. 

Vì giá xăng tăng mạnh trong những ngày qua nên nhiều cửa hàng trưng biển “hết xăng” và tố bị doanh nghiệp đầu mối cắt giảm lượng nhập, giảm chiết khấu mạnh. Ngược lại, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng họ vẫn phân phối đầy đủ và không có chuyện thiếu hàng.

Lý giải việc này, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, giá xăng dầu khi giãn cách xã hội giảm liên tục, các đơn vị đầu mối tăng mạnh chiết khấu, có lúc lên tới 3.000-4.000 đồng để “đẩy” hàng đi càng nhiều càng tốt, thu tiền về nhập thêm hàng khi giá thế giới giảm sâu.

Còn các đại lý lại “kén cá chọn canh”, mua của nhiều đầu mối, tăng nhập chỗ chiết khấu cao chứ không tuân thủ quy định “chỉ nhập tại một đầu mối để đảm bảo chất lượng”. Vì thế, vị này cho rằng, khi giá tăng trở lại, chiết khấu ít đi, họ quay lại nhập, các doanh nghiệp đầu mối chỉ đảm bảo cung ứng được đủ hàng cho hệ thống phân phối và các hợp đồng đã ký.

Thi Hà

Nguồn