Doanh nghiệp rục rịch ‘lên đời’ hoá đơn điện tử

[ad_1]

Ít nhất 70% doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh tại các tỉnh thành lớn phải “chia tay” hóa đơn giấy trong 3-4 tháng tới.

Theo lộ trình, hạn chót bắt buộc chuyển từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là tháng 7 năm sau.

Dự kiến, hết năm nay, từ 70% đến 100% doanh nghiệp tại các 6 tỉnh thành lớn gồm Hà Nội, TP HCM (chiếm 70% lượng hóa đơn cả nước) sẽ hoàn thành việc chuyển đổi theo Nghị định 123/2020. Còn các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ hoàn thành từ nay đến hết tháng 3 năm sau.

Tại Hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử sáng 21/11, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, triển khai hóa đơn điện tử là bước đi đột phá của ngành tài chính giai đoạn 2021-2022.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhấn mạnh đây là bước đi góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc, vừa tiết giảm chi phí hành chính, vừa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn.

Phó thủ tướng Lê MInh Khái phát biểu tại hội nghị về hóa đơn điện tử sáng 21/11. Ảnh: Tổng cục thuế

Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị về hóa đơn điện tử sáng 21/11. Ảnh: Tổng cục thuế

Các doanh nghiệp đang tồn số lượng lớn hóa đơn giấy có thể làm việc với cơ quan thuế để được xử lý chuyển đổi lên điện tử. Bà Đinh Thị Thuý, Tổng giám đốc công ty cổ phần Misa – đơn vị cung cấp lượng hóa đơn điện tử lớn nhất trên thị trường cũng cho biết, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đang tồn lượng hóa đơn giấy chuyển đổi lên hóa đơn điện tử mà không thu phí.

Còn khoảng 8 tháng nữa là hạn chót chia tay hóa đơn giấy nên theo bà Thuý, doanh nghiệp và hộ kinh doanh nên chủ động chuyển đổi dần sang hóa đơn điện tử. “Doanh nghiệp có thể dễ dàng đăng ký hóa đơn điện tử online với mức phí tiết kiệm hơn nhiều so với chi phí phát hành, in ấn và lưu trữ hóa đơn giấy”, bà Thuý cho biết.

Hệ thống ứng dụng hoá đơn điện tử hiện nay theo Tổng cục thuế có khả năng xử lý hàng nghìn giao dịch theo thời gian thực và xử lý khối lượng 6,4 tỷ hoá đơn mỗi năm. Tổng cục thuế cũng đã đánh giá và lựa chọn 8 đơn vị đầu tiên để cung cấp dịch vụ truyền nhận, lưu trữ dữ liệu hóa đơn giai đoạn đầu.

Tuy nhiên câu chuyện vận hành trên thực tế theo góc nhìn của bà Thuý khó đảm bảo trơn tru 100% trong mọi tình huống. Cơ quan thuế cũng lường đến tình huống này, đang xem xét uỷ quyền Misa và một số nhà cung cấp khác cấp hóa đơn điện tử trong tình huống có trục trặc.

Trên thực tế, hóa đơn điện tử đã được triển khai từ hơn chục năm nay và có khoảng 550.000 doanh nghiệp đã áp dụng tính đến cuối 2020. Tuy nhiên, hóa đơn điện tử theo quy định cũ không theo chuẩn định dạng chung nên không thể kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan thuế. Thủ tục khởi tạo, phát hành sử dụng hoá đơn còn thủ công.

Còn hóa đơn điện tử triển khai đồng loạt gần đây sẽ có thông tin định danh của người nộp thuế. Hoá đơn có mã của cơ quan thuế được lập vả gửi theo thời gian thực, còn hoá đơn không có mã gửi trong ngày lập hoá đơn. Cơ sở dữ liệu này sẽ được ngành thuế khai thác để quản lý rủi ro, chống thất thu ngân sách.

Theo quy định, hầu hết doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Những doanh nghiệp kinh doanh trong mảng điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, đường bộ, đường sắt, nước sạch, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, siêu thị… đáp ứng điều kiện được dùng hoá đơn điện tử không có mã.

Quỳnh Trang

[ad_2]