Doanh nghiệp muốn rút ngắn thêm các thủ tục hành chính

Kimnam Group đề xuất cơ chế Sandbox cho lĩnh vực Fintech, AVR muốn cổng dịch vụ công trực tuyến rút ngắn quy trình thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu…

Trước tác động tiêu cực từ Covid-19 đến tình hình kinh tế xã hội, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó cắt giảm thủ tục hành chính, chuyển đổi phương thức làm việc theo hướng điện tử hóa, ứng dụng làm việc từ xa, giúp tiết kiệm ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Đây là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại hội nghị “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19” vừa diễn ra chiều nay (26/5).

Xem toàn bộ video sự kiện tại đây

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại hội nghị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng  tại hội nghị.

Theo Bộ trưởng, hiện dịch vụ công trực tuyến triển khai trong 6 tháng qua đã có hơn 38 triệu lượt truy cập. Từ ngày 12/5, cung cấp thêm 6 dịch vụ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch. Cùng với các Bộ ngành, một số đơn vị quốc tế như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cũng hỗ trợ hội đồng tư vấn cải cách hành chính của Chính phủ, cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) thực hiện khảo sát ý kiến của doanh nghiệp với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. 

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, sự vào cuộc sâu sát giúp Chính phủ giảm chi phí giám sát, tăng khả năng quản lý hành chính công. Đồng thời tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh và chi phí cơ hội cho các công ty. Tuy vậy, ông Lực cho rằng hoạt động cải cách thủ tục hành chính còn gặp nhiều rào cản. Bên cạnh tâm lý ngại thay đổi, thiếu chiến lược tổng thể và hạn chế nguồn lực tài chính, nhân sự, còn gặp thách thức hệ thống luật; thiếu tiêu chí, cơ chế đo lường và đánh giá.

Đồng tình ý kiến, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký VINASME cho rằng, việc giải quyết xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều chồng chéo, cũng như mối quan hệ giữa trung ương, bộ ngành và địa phương.

Để tháo gỡ, đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đề xuất, cổng dịch vụ công trực tuyến cần rút ngắn quy trình thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị, nhất là trong lĩnh vực hải quan, thuế, xuất nhập khẩu… 

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho rằng việc tăng cường các dịch vụ công trực tuyến giúp tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp và người dân. “Cơ quan quản lý cần xem xét sửa đổi quy định toàn bộ công việc chế biến thủy sản là nặng nhọc, độc hại, bởi nghiên cứu của VASEP cho thấy chỉ có 8 vị trí công việc thuộc danh mục này”, vị này nói thêm.

Các diễn giả, khách mời tại hội nghị.

Các diễn giả, khách mời tại hội nghị.

Ông Nguyễn Kim Hùng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam (Kimnam Group) quan tâm tới xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản trị, phù hợp với từng đối tượng chủ thể kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. “Doanh nghiệp có thể tự tham chiếu, đánh giá và hoàn thiện. Từ đó, các đối tác nước ngoài, tổ chức tín dụng có thể quan sát, đánh giá sự minh bạch của đơn vị”, ông Hùng nói. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Kimnam Group cần thiết bộ luật riêng cho hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, nhằm thúc đẩy chuyển đổi thành doanh nghiệp. “Nhưng cần tính đến bài toán miễn giảm thuế tối thiểu 1 năm, hoặc các ưu đãi về mua bán đất, bàn giao tài sản…”, vị này nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Hùng cho rằng, cần ban hành cơ chế Sandbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát) cho lĩnh vực Fintech, như kết nối vốn qua nền tảng công nghệ, các nền tảng Fintech thuê mua tài chính, mobile money… Đồng thời làm rõ các đối tượng, trình tự đăng ký cho doanh nghiệp tham gia, cũng như tích hợp vào cổng dịch vụ trực tuyến của Chính phủ.

Ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Kim Hùng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam phát biểu tại hội nghị.

Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) mong muốn vấn đề thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài sớm được giải quyết, đi liền với đảm bảo cách ly có giám sát từ cơ quan y tế. “Nên đánh giá dựa trên nơi họ sống và làm việc trong thời gian gần nhất, chứ không chỉ dựa vào quốc tịch từ điểm nóng dịch bệnh”, vị này lý giải.

Một số doanh nghiệp đề xuất, cơ quan quản lý cần đẩy nhanh cấp phép xây dựng cho các hồ sơ đang bị tồn đọng bởi Covid-19 và giảm thuế VAT trên giá bán cho các du lịch để kích cầu tiêu dùng trong nước.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sẽ chuyển những phản ánh, kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp tới Chính phủ, các bộ ngành. Đồng thời mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tăng cường hình thành các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh, cùng đồng hành xây dựng Chính phủ điện tử và nền kinh tế số trong tương lai.

Minh Chi

Nguồn