Doanh nghiệp lữ hành lại vào thế khó

Công ty lữ hành phải hoàn tiền cho khách, trong khi các giao dịch thực hiện trước đó với đối tác đều không được hoàn trả.

Hàng loạt tour du lịch bị hủy chỉ vài ngày sau khi các ca nhiễm nCoV trong cộng đồng xuất hiện ở miền Trung. Không ít khách yêu cầu hủy tour, đến cả những địa phương chưa có dịch.

Khó khăn tứ bề

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP HCM, đánh giá các công ty lữ hành đang phải chịu áp lực rất lớn. Tình trạng hủy tour kéo theo hệ thống dây chuyền cung ứng từ vé máy bay, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, hội nghị… bị ngưng trệ.

“Khách hủy tour, công ty buộc phải hoàn tiền. Trong khi đó, các khoản ứng trước, đặt cọc hoặc đã thanh toán dịch vụ cho nhà cung cấp như vận chuyển, lưu trú, nhà hàng…, đặc biệt là các hãng hàng không, không được hoàn trả mà chỉ dời sang thời điểm khác, cho những lần đặt dịch vụ sau”, bà Khánh lý giải.

Một doanh nghiệp lữ hành lớn tại TP HCM cho biết, tính đến tháng 9 có khoảng 50.000 khách hủy tour, thiệt hại ước tính vài trăm tỷ đồng. Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Group, xác nhận tình trạng khách hủy dịch vụ hàng loạt: “Chỉ riêng mảng tour trong nước và vé máy bay, doanh số của công ty đã giảm khoảng 90% so với tuần trước dịch. Các công ty du lịch đang khổ sở vì tiền cọc vé đã chuyển. Có nhiều công ty đang bị “giam” hàng trăm triệu hoặc cả tỷ đồng tiền cọc vé, không thể lấy lại”.

Sáng ngày 1/8, tại Quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt chỉ lác đác khách lẻ. Ảnh: Khánh Hương.

Sáng ngày 1/8 tại Quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt chỉ lác đác vài nhóm khách lẻ. Hơn 16.000 phòng khách sạn ở Đà Lạt đã bị hủy vì đợt dịch mới. Ảnh: Khánh Hương.

Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour cho biết, một số đối tác chỉ chấp nhận cho hoãn hợp đồng và phải sử dụng dịch vụ trong vòng 3 tháng; có nơi không chấp nhận hoãn vì cận ngày khởi hành. Khó khăn lớn nhất là các hợp đồng liên quan đến vé máy bay, khách không còn đủ an tâm để du lịch dù có thay đổi đường bay, không đến những địa phương đã công bố dịch.

“Hiện các hãng hàng không chỉ hỗ trợ miễn phí thay đổi chuyến và lịch khởi hành của những chuyến bay từ 1/8 trở đi. Còn với những chuyến bay trước mốc này, khách hủy vẫn bị phạt. Mà lượng khách hủy dịch vụ vé máy bay nội địa trong các ngày từ 25 – 28/7 rất nhiều”, ông Dũng nói.

Đơn cử Việt Sun Travel mua series vé máy bay cho cả năm, đã thanh toán tiền đặt cọc cho hãng từ đầu năm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty chỉ hoạt động vài tháng và tạm ngưng đến nay.

Bà Nguyễn Thu Thảo, giám đốc doanh nghiệp này, bày tỏ: “Vì khó khăn tài chính, chúng tôi liên hệ với hãng hàng không để xin hoàn tiền đặt cọc. Hãng chỉ chấp nhận hoàn lại tiền cọc của 6 tháng cuối năm 2020, nhưng không cho rút tiền mặt mà chuyển vào ngân hàng ảo để cho các giao dịch tiếp theo. Khoản tiền cọc trước đó gần 2 tỷ đồng không được trả lại”, bà Thảo nói.

Giải pháp

Từ tháng 2, Covid-19 khiến toàn ngành du lịch “tê liệt”. Tại TP HCM, có đến 90% doanh nghiệp du lịch đã phải tạm ngưng hoạt động. Các doanh nghiệp thiết lập chế độ “ngủ đông” vì vắng khách du lịch, không có doanh thu. Thậm chí, nhiều đơn vị không chịu nổi phải xin rút giấy phép hoạt động lữ hành để có thể dùng tiền ký quỹ trang trải khó khăn trước mắt.

Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, sự bùng phát trở lại của dịch bệnh lần này còn khủng khiếp hơn lần trước, khi thị trường vừa ấm trở lại trong tháng 7 - cao điểm du lịch hè, khách lại đồng loạt hủy tour. Ảnh: Đắc Thành.

Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, sự bùng phát trở lại của dịch bệnh lần này còn khủng khiếp hơn lần trước, khi thị trường vừa ấm trở lại trong tháng 7 – cao điểm du lịch hè, khách lại đồng loạt hủy tour. Ảnh: Đắc Thành.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, cho rằng từ nay đến cuối năm cũng không còn nhiều ngày nghỉ nên cơ hội để ngành du lịch phục hồi như kỳ vọng gần như không có. “Chính phủ cần nhanh chóng kích hoạt các gói hỗ trợ đến tận tay doanh nghiệp, áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp ‘chết’ thì hết dịch, thị trường cũng không thể phục hồi”, ông Kỳ nói.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours gợi ý, ngành du lịch có chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, lúc này nên có thêm cuộc phát động người Việt Nam chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. “Khách hàng có thể chung tay bằng cách lùi tour đến thời điểm phù hợp hoặc đổi bằng voucher du lịch tới địa điểm khác”, ông Hoan nói.

Theo chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí, doanh nghiệp lữ hành cần được tiếp sức bằng các chính sách cho vay ưu đãi, áp dụng cho vay tín chấp để có tiền trả lãi ngân hàng, trả lương nhân viên cốt cán…

“Chính phủ cũng nên có những sửa đổi về quy định, để trong trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh… các công ty du lịch có cơ sở thương lượng, đàm phán với đối tác nhằm lấy tiền cọc và đàm phán với khách hàng dễ dàng hơn”, ông Chí đề xuất.

Những doanh nghiệp quá khó khăn có thể mạnh dạn trả giấy phép lữ hành, thu tiền ký quỹ về để xử lý việc trước mắt. “Khi tình hình dịch bệnh ổn định, doanh nghiệp du lịch có thể đăng ký hoạt động trở lại. Vì thủ tục đăng ký hiện nay đơn giản hơn, không bắt buộc phải lập phương án, kế hoạch kinh doanh như trước”, chuyên gia này cho hay.

Nguyễn Nam

Xem thêm

Nguồn