Doanh nghiệp kêu ‘mất cơ hội vì vướng giải phóng mặt bằng’

[ad_1]

Đại diện TNI Holdings Việt Nam cho biết, giải phóng mặt bằng là “cục nghẹn” của giới đầu tư hạ tầng bất động sản công nghiệp, một số thậm chí vì nó mà mất đơn hàng.

Thông tin trên được bà Vũ Thu Hằng, Trưởng ban kinh doanh, TNI Holdings Việt Nam chia sẻ tại toạ đàm về nhận diện xu hướng mới trong phát triển khu công nghiệp 20/9.

Bà Hằng cho biết, với quỹ đất rất lớn của khu công nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng buộc phải đền bù theo giai đoạn, cũng như chia nhỏ từng phần. Tuy nhiên, do hành lang pháp lý cũng như quy trình đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, quá trình này bị kéo dài.

Điều này đã tạo ra thách thức, áp lực với quá trình hoạch định kinh doanh của doanh nghiệp; giảm niên hạn còn lại cho nhà đầu tư tại dự án, dẫn đến giảm giá trị của khu công nghiệp.

“Doanh nghiệp đã mất đi rất nhiều thời cơ, đặc biệt trong thời gian vừa qua khi có nhiều đơn hàng đến nhưng không thể đảm bảo được đúng tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch”, bà Hằng nói.

Bên cạnh đó, vừa qua, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam liên tục nóng lên trước làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc của nhiều tập đoàn lớn. Thị trường bất động sản công nghiệp bùng nổ trong năm nay khi thu hút được nhiều đầu tư, khiến nhu cầu nguồn cung, giá thuê đều được đẩy lên.

Do vênh cung cầu, các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá rất cao để được ký hợp đồng thuê, xong thủ tục cấp phép sớm để đi vào hoạt động. Nhưng giải phóng mặt bằng lâu nay, được bà Hằng ví là “cục nghẹn” với các doanh nghiệp đầu tư bất động sản công nghiệp.

Đơn cử, số liệu của Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM hồi tháng 5 cho biết, hiện thành phố còn 11 khu công nghiệp chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng với tổng diện tích đất bị vướng mắc hơn 100 ha cùng hàng trăm hộ dân chưa di dời. Thậm chí, có doanh nghiệp 20 năm vẫn vướng tranh chấp, phải nhờ thành phố “giải cứu”.

Do đó, mong mỏi lớn nhất của doanh nghiệp như TNI Holdings là được tháo gỡ các khó khăn này, giảm các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục pháp lý để chuẩn bị hạ tầng, đón luồng đầu tư trên toàn thế giới.

Bên cạnh vấn đề nguồn cung, nhiều ý kiến tại toạ đàm cũng đánh giá mô hình khu công nghiệp cần có những thay đổi nhất là trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị sống chung với dịch.

Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Korcham Việt Nam đánh giá, các khu công nghiệp tại Việt Nam thường theo mô hình truyền thống – tức chỉ có nhà máy, không có nhà ở. “Khu công nghiệp đơn thuần là cơ sở sản xuất thôi”, ông nói.

Trong khi đó, xu thế phát triển khu công nghiệp ở nhiều nước, đặc biệt ở Hàn Quốc, là hỗn hợp, kết hợp khu đô thị, nhà ở, trường học, bệnh viện… giống một đô thị thu nhỏ.

“Trong Covid-19, nhiều nhà máy tại Việt Nam đã áp dụng 3 tại chỗ. Nếu Việt Nam phát triển mô hình khu công nghiệp hỗn hợp, việc sống và làm việc tại chỗ sẽ thuận tiện hơn nhiều”, ông nói.

Mặt khác, với nguồn lực đất ngày càng hạn chế, ông cho biết, nhiều nước đang xây dựng nhà máy đa tầng, để tận dụng được đất đai. Số tầng xây cũng sẽ phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất.

“Hy vọng các ban ngành, địa phương liên quan sẽ sớm điều chỉnh để áp dụng theo mô hình các nước phát triển đã và đang làm. Nếu chỉ là nhà máy truyền thống thì sẽ khó bền vững, đặc biệt sau dịch”, ông nói.

Ông Ko Tae Yeon, Tổng giám đốc Công ty Heesung Electronics Vietnam tại Hải Phòng, cũng đồng tình với ý kiến cần có nơi lưu trú (nhà ở, ký túc xá) tại khu công nghiệp nhằm đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho người lao động. Ngoài ra, trước bối cảnh Covid-19, ông lưu ý thêm các khu công nghiệp cần được xây dựng “thông minh” hơn trong việc kết nối thông tin, giao tiếp, quản lý lao động.

“Số lượng 12 khu công nghiệp tại Hải Phòng là chưa đủ. Tỷ lệ lấp đầy đang rất cao. Vài tháng tới, khi tình hình Covid-19 khả quan hơn, thị trường sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư mới, do vậy, cần có sự chuẩn bị tốt hơn”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh đến việc các khu công nghiệp cần được chuyên môn hoá. Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng, nơi doanh nghiệp có nhà máy được xem là một địa điểm có tính chuyên môn hoá, nhờ sự có mặt của LG Electronic, kéo theo nhiều nhà cung cấp, đối tác. Nhưng nhiều khu công nghiệp khác tại Hải Phòng lại chưa làm được điều này.

Hiện Việt Nam có ba loại hình khu công nghiệp cơ bản là: khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp đô thị dịch vụ và khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, trên thực tế có hai mô hình, gồm: đầu tư hạ tầng kỹ thuật để kêu gọi các nhà đầu tư vào thuê đất tổ chức sản xuất kinh doanh; mô hình được đầu tư đồng bộ thành một khu công nghiệp. Các khu công nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn vẫn phát triển theo hướng đa ngành, thiên về tạo ra quỹ đất để kêu gọi các doanh nghiệp thuê sản xuất kinh doanh.

Đức Minh

[ad_2]