Đổ xô thuê gia sư sau khi lớp học thêm bị hạn chế

[ad_1]

Trung QuốcTrong khi Bộ Giáo dục hạn chế lớp học thêm để giảm áp lực cho học sinh, nhiều phụ huynh vẫn tìm gia sư cho con để tăng thời gian học.

Ở Trung Quốc, các lớp dạy kèm sau giờ học được đánh giá quan trọng trong việc giúp đỡ học sinh vượt qua kỳ thi đại học “sinh tử” (gaokao). Theo Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc, hơn 75% học sinh 6-18 tuổi tham dự các lớp dạy kèm sau giờ học vào năm 2016 và con số này không ngừng tăng ở các năm sau.

Tuy nhiên, việc dạy thêm bị giám sát chặt chẽ vì ngành giáo dục Trung Quốc đang nỗ lực giảm áp lực cho học sinh và gánh nặng tài chính cho gia đình các em. Hàng loạt quy định mới được ban hành trong năm nay, trong đó cấm lớp học thêm dạy các môn chính ở trường và mở lớp vào cuối tuần hoặc ngày lễ.

Một nữ sinh đứng gần văn phòng cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/7. Ảnh: Reuter

Một nữ sinh đứng gần văn phòng cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/7. Ảnh: Reuter

Đa số phụ huynh hoan nghênh nỗ lực này, nhưng nhiều người cho rằng lệnh cấm sẽ gia tăng bất bình đẳng xã hội. Bà Fan, phụ huynh ở Bắc Kinh, cho biết nhiều gia đình xung quanh đang tích cực tìm gia sư riêng. “Tôi có cảm giác việc học điên cuồng không dừng lại khi các lớp dạy thêm bị hạn chế. Cuộc sống và áp lực học tập vẫn tiếp diễn như trước”, bà nói.

Cuối tháng 7, Judith Bai, một bà mẹ khác ở Bắc Kinh, cho biết chi phí một tiếng học gia sư khoảng 600-2.000 nhân dân tệ (khoảng 2,1-7,1 triệu đồng). Phụ huynh này không ngần ngại chi hơn 20.000 nhân dân tệ mỗi năm để con trai 7 tuổi học thêm Toán và Tiếng Anh.

Nhiều phụ huynh cho rằng việc giảm các lớp học thêm chỉ là phần ngọn của vấn đề khi kỳ thi vào đại học vẫn cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. “Làm sao chúng tôi thoải mái với việc đứa trẻ học ít đi, cùng với đó là cơ hội vào đại học cũng giảm đi. Được học ở một trường tốt là cơ hội cho những đứa trẻ có cuộc sống tốt hơn thế hệ chúng tôi”, một người mẹ khác bày tỏ.

Còn ở các thành phố nhỏ hoặc vùng nông thôn, phụ huynh cho rằng chính sách này sẽ tác động tiêu cực đến con cái họ. Sở dĩ, học sinh ở đây chỉ biết dựa vào các lớp học thêm để bù đắp lượng kiến thức thiếu hụt trong trường học vốn chất lượng không cao, sĩ số một lớp lên đến 60.

Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết sẽ nỗ lực cải thiện chất lượng trường học để “giảm bớt động lực tìm lớp học thêm của phụ huynh” và kiên định với mục tiêu giảm gánh nặng học tập cho học sinh.

Thanh Hằng (Theo Reuters)

[ad_2]