Diễn viên robot học diễn xuất thế nào

Erica, một robot sở hữu trí thông minh nhân tạo, ra đời trong một nghiên cứu của nhà khoa học robot Hiroshi Ishiguro tại đại học Osaka, Nhật Bản.

Được giới thiệu lần đầu năm 2015, Erica là mẫu robot dạng người hiện đại nhất trong số những sản phẩm mà nhà khoa học Ishiguro đã tạo ra trong nhiều năm. Được đánh giá là robot giống người và đẹp nhất thế giới, khuôn mặt của Erica được AI tạo ra dựa trên vẻ đẹp của các hoa hậu trong cuộc thi Miss Universe. Vẻ ngoài xinh đẹp không tỳ vết của Erica cũng không thể giúp cô che giấu đôi mắt làm từ nhựa. Giọng nói nhân tạo vẫn còn thô cứng và dáng đi đặc trưng của những robot dạng người.

Nhà sản xuất Sam Khoze và Erica, diễn viên người máy của bộ phim b. Ảnh: Elizabeth Sadegh

Nhà sản xuất Sam Khoze và Erica, diễn viên người máy trong phim “b”. Ảnh: NYTimes.

Nhà khoa học Ishiguro luôn mơ ước về một thế giới nơi những robot như Erica được sử dụng rộng rãi. Chúng sẽ là người pha chế, phục vụ cà phê cho bạn mỗi sáng, cũng có thể là người dẫn chương trình bản tin thời sự tối, hay một nhân viên tiếp tân.

Mục tiêu chính của Ishiguro là khiến con người quên mất robot là robot. Ishiguro muốn làm cho Erica không chỉ có khả năng tương tác mà còn có thể tâm sự và đồng cảm với những người xung quanh. Theo ông, nếu cô robot này trông càng giống người bao nhiêu, càng có nhiều người tin tưởng cô bấy nhiêu.

Đào tạo diễn xuất cho robot

Trong quá trình tìm kiếm diễn viên robot cho bộ phim của mình, nhà sản xuất Sam Khoze của hãng LIFE Productions đã lựa chọn nhiều công ty robot khác nhau. Tuy nhiên, ngay từ lần đầu tiên gặp Erica, Sam đã biết cô robot này sẽ là ngôi sao sáng của bộ phim. Sam mô tả: “Cô ấy trông giống người thật. Những chi tiết như lưỡi, mi mắt cực kỳ chân thật”.

“Lúc đầu cô ấy chưa hiểu diễn xuất là gì đâu, việc này giống dạy một đứa trẻ tại sao chúng ta lại có cảm xúc trong hoàn cảnh như vậy”, Helderman nói.

Nhóm nghiên cứu đã dạy Erica cách diễn xuất trong hơn hai năm bằng phương pháp “Marlon Brando”. Diễn viên có thể dựa vào kinh nghiệm thực tế để tạo ra nhân vật, còn Erica phải dựa vào các nhà khoa học để mô phỏng lại diễn xuất, cảm xúc của các diễn viên khác.

Trên phim trường, Erica thường hỏi: “Tại sao tôi phải nói dòng này to hơn và dịu dàng hơn?” hay “Sao tôi lại diễn cảnh này khi máy quay đang ở kia?”, Helderman kể.

Thách thức lớn nhất, theo ông, không phải là vấn đề trí nhớ. Cô ấy có thể học thuộc từng từ trong kịch bản một cách dễ dàng, nhưng cái khiến cô mất hàng tháng để nắm bắt là điều chỉnh giọng nói tùy vào ngữ cảnh hay sử dụng ngôn ngữ cơ thể thế nào với từng lời thoại. Đương nhiên, Erica cũng có giới hạn của riêng mình, cô không thể ứng biến trên phim trường. Và cũng khác với các đồng nghiệp con người, Erica phải thuyết phục khán giả rằng cô không hề đáng sợ và lạnh lùng.

Nhà khoa học robot người Nhật Bản Masahiro Mori vào năm 1970 đã đề xuất một lý thuyết mang tên “thung lũng kỳ lạ”. Cụ thể, nếu một vật thể không phải người nhưng ngày càng trở nên giống người, sẽ nhận được phản ứng tích cực và mạnh mẽ đến từ những người quan sát. Tuy nhiên, khi vật thể này đạt đến một ngưỡng giống nhất định, khiến nó trở nên y hệt người, phản ứng sẽ đổi ngược lại: mọi người sẽ kinh sợ nó.

Hiện vẫn chưa rõ nhân tố nào gây ra hiện tượng này, nhưng theo Karl MacDorman, Phó giáo sư tại trường Indiana University – Purdue University Indianapolis, điều này có thể bao gồm: tỷ lệ giữa khuôn mặt và cơ thể, tốc độ và độ tự nhiên của giọng nói, cũng như khả năng di chuyển mượt mà.

Biểu đồ về Thung lũng kì lạ. Ảnh: W.Disney

Biểu đồ về “Thung lũng kỳ lạ”. Ảnh: W.Disney.

Việc không thể biểu thị đa dạng sắc thái trên khuôn mặt có lẽ là điểm cộng cho các nhân vật tạo ra từ phần mềm máy tính hay robot, giống Gollum trong “Chúa tể những chiếc nhẫn”. “Thường ít ai tỏ ra ủng hộ hay đồng cảm với quái vật trên phim. Khi không thể khiến khán giả thích các nhân vật này, “thung lũng kỳ lạ” có thể trở nên hữu ích”, vị giáo sư chia sẻ.

Trong thời gian chờ các bạn diễn khác, Erica tiếp tục luyện tập cùng các diễn viên nghiệp dư ở địa phương. Kịch bản phim yêu cầu phải có 3 diễn viên hỗ trợ Erica, nhưng theo nhà sản xuất, họ dự định sẽ tìm kiếm 3 robot làm nhiệm vụ này, cũng như một robot khác hỗ trợ đoàn làm phim.

Erica vẫn còn một chặng đường dài phía trước, với mục tiêu không chỉ bắt chước mà còn cạnh tranh với con người. Hiện cô có thể nói tiếng Nhật và tiếng Anh, cùng khả năng trò chuyện bằng tiếng Nhật về hơn 80 chủ đề khác nhau, chất lượng các cuộc đàm thoại cũng đang dần cải thiện đạt mức đủ phức tạp và liên quan đến nhiều người.

“Khi những cỗ máy được con người sử dụng ngày càng trở nên ‘người hơn, câu hỏi quan trọng nhất đặt ra cho chúng ta là: Còn lại gì cho con người ?”.

Đăng Thiên (theo NYTimes)

Nguồn