Đi Mộc Châu trong ngày với 500.000 đồng

[ad_1]

Mục đích chuyến đi của Anh Chiêm và bạn bè là để hàn huyên sau dịch, chụp ảnh và thưởng thức đặc sản địa phương.

Ngày 21/11, Anh Chiêm (40 tuổi) cùng 3 người bạn có chuyến đi chớp nhoáng trong ngày tới Mộc Châu (Sơn La), cách Hà Nội khoảng 200 km. Đây là chuyến đi thứ hai anh thực hiện sau khi Hà Nội dừng giãn cách xã hội vì Covid-19. Dưới đây là một số chia sẻ và kinh nghiệm của nhóm.

Lịch trình di chuyển

Anh Chiêm chia sẻ, do dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ nên lịch trình được thiết kế khá tỉ mỉ để tham quan đủ 4 điểm suối Hò Hẹn, thác Dải Yếm, thác Chiềng Khoa và thung lũng mận Nà Ka. Cả nhóm xuất phát từ Hà Nội lúc 2h30 sáng bằng xe tự lái. Trên đường đến địa phận Mộc Châu không còn chốt kiểm soát đi lại, cả nhóm đã khai báo y tế và di chuyển trên ứng dụng điện thoại. Trên xe, nam giới thay nhau lái xe, những thành viên còn lại có thể tranh thủ ngủ để giữ sức.

Anh Chiêm bên suối Hò Hẹn, trong khu du lịch thác Dải Yếm.

Anh Chiêm bên suối Hò Hẹn, trong khu du lịch thác Dải Yếm.

Tới nơi, từ 8h sáng đến 16h chiều, cả nhóm lần lượt thăm các điểm đến có trong lịch trình, và ăn trưa ngay tại thác Chiềng Khoa. Vì lo ngại dịch nên không lưu trú mà trở về Hà Nội lúc 21h. Anh chia sẻ, đường Mộc Châu rất dễ đi, chỉ có đường vào thác nhiều đoạn đèo cua nên cần tay lái chắc.

Thời tiết và điểm tham quan

Trong điều kiện bình thường mới, Mộc Châu đã mở lại các điểm du lịch, tham quan, nhà hàng và quán ăn, song vẫn chưa đông đúc vào ngày cuối tuần như trước đây. Anh Chiêm cho biết mục đích chuyến đi để hàn huyên cùng bạn bè sau dịch và chụp ảnh nên rất thích khung cảnh vắng vẻ như vậy.

Thời tiết Mộc Châu mùa này lạnh và có sương mù vào sáng sớm nên khung cảnh rất huyền ảo. Khi cả nhóm đến thung lũng mận Nà Ka, sương phủ kín không gian, hoa mận đã nở lác đác, hai tuần tới có thể nở rộ.

Khung cảnh sương phủ trên những ngọn núi trùng điệp ở Mộc Châu tháng 11.

Khung cảnh sương phủ trên những ngọn núi trùng điệp ở Mộc Châu tháng 11.

Thác Chiềng Khoa là nơi hoang sơ nhất vì chưa được khai thác du lịch. Thác có tổng cộng 7 tầng, mỗi tầng cao 7-10 m, nước đổ từ trên vách đá xuống tung bọt trắng xóa. Xung quanh thác là thảm thực vật xanh rì, ở các tầng đều có hồ nước rộng xanh như ngọc. Mùa hè, nhiều người yêu thích bơi lội tại đây, mùa này có thể chèo thuyền, ngắm cảnh, lắng nghe âm vang của núi rừng. Đây cũng là lý do thác được gọi tên “tuyệt tình cốc” của Vân Hồ.

Tại đây, cả nhóm sau khi chinh phục tầng đầu tiên và số 3, sau đó quay xuống chân thác và nghỉ ngơi, ăn trưa. Bữa trưa của cả nhóm được đặt sẵn ở nhà địa phương, bao gồm các món đặc sản gà đồi, rau rừng… Đặc biệt nhất là được ngồi bên bạn bè, nghe tiếng thác nước chảy ầm ầm bên tai, tạm quên đi những xô bồ, bận rộn của thành thị. Giá vé vào tham quan ở đây là 30.000 đồng/người. Để tới được chân thác, bạn sẽ phải đi bộ khoảng 15 phút, đường dễ đi.

Điểm đến tiếp theo của nhóm là Dải Yếm, con thác nằm trên dòng suối Vặt, được hợp từ hai khe nước ở bản Vặt, bản người Thái rất lâu đời. Trước khi đến với thác, cả nhóm đi qua suối Hò Hẹn. Thác Dải Yếm đồ sộ với độ cao hơn 100 m, chia thành 2 phần. Phần trên có 9 tầng và ở dưới là 5 tầng, ngăn cách ở giữa là vùng đất bằng phẳng, thích hợp để du khách vui chơi, ngắm cảnh.

Điểm đặc biệt ở đây là có những khối đá nhiều hình thù, khiến dòng thác túa ra thành nhiều phần trước khi chảy xuống hồ nước. Vì vậy dòng nước không chảy ầm ầm mà mềm mại như một dải lụa. Giá vé tham quan thác là 100.000 đồng/người. Ở đây có rất đầy đủ quán ăn, quán nước.

Anh Chiêm chia sẻ, để chụp ảnh thác nước đẹp thì không thể thiếu máy ảnh và chân máy. Ngoài ra anh có thêm filter cho máy ảnh cũng như sử dụng tốc độ màn trập chậm để dòng nước mịn màng hơn.

Tổng kết chi phí cho chuyến đi cho 4 thành viên là gần 1.900.000 đồng. Trong đó gồm xăng xe là 600.000 đồng và 70.000 đồng vé đi đường. Vé vào cổng cho 4 người tại thác nước là 520.000 đồng, bữa trưa 500.000 đồng và 200.000 đồng tiền tiêu vặt.

Lan Hương
Ảnh: NVCC

[ad_2]

Source link