Đề nghị hạ chuẩn đào tạo do thiếu nguồn tuyển giáo viên | Giáo dục

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết hiện nay toàn quốc thiếu 71.941 giáo viên (GV) mầm non, phổ thông, trong đó giáo dục mầm non thiếu 45.242 GV, tiểu học thiếu 12.450 GV, THCS thiếu 4.486, THPT thiếu 9.763 GV. Đội ngũ GV cấp THCS và cấp THPT tuy về số lượng không thiếu nhiều như các cấp học dưới, nhưng còn chưa đảm bảo cơ cấu môn học, nhất là khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với một số môn học mới.
Ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chia sẻ nỗi lo về tình trạng thiếu GV mà không có nguồn tuyển vì chuẩn trình độ đào tạo GV theo luật Giáo dục 2019 quá cao. Do vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ xem xét hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng để giải quyết khó khăn về nguồn tuyển.

Với vùng đồng bào dân tộc miền núi thì GV của bậc học mầm non có trình độ đào tạo là trung cấp, tiểu học nên trình độ cao đẳng. Quảng Nam có 9 huyện miền núi, hiện nay số lượng đăng ký dự tuyển GV mầm non, tiểu học thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển dụng. “Rất mong Bộ có quy định mở riêng đối với khu vực miền núi, khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển như hiện nay”, ông Tân nói.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, phát biểu: Dù Chính phủ đã có Nghị quyết số 102 (tháng 7.2020) về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, tuy nhiên vấn đề rất khó khăn hiện nay là không có nguồn để tuyển dụng hoặc ký hợp đồng làm việc do áp dụng quy định điều kiện về trình độ chuẩn của GV các cấp học theo luật Giáo dục năm 2019 trong tuyển dụng. Do đó, bà Thanh đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu đề xuất về việc tuyển dụng sinh viên có bằng trung cấp sư phạm mầm non, và cao đẳng sư phạm tiểu học trong giai đoạn chuyển tiếp này. Sinh viên được tuyển dụng phải có cam kết tự học để nâng trình độ chuẩn đào tạo đến năm 2025, quá thời gian cam kết nếu không đạt chuẩn thì đơn vị có thể xem xét chấm dứt hợp đồng.

Phát biểu tại hội nghị sau khi lắng nghe các ý kiến tham luận của các địa phương, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên là cần thiết, nhưng không thể để có học sinh mà thiếu trường lớp, thiếu GV được. Do vậy, lãnh đạo các tỉnh, thành, ngoài vấn đề trường lớp thì chăm lo cho GV là hết sức quan trọng. Ông Đam đề nghị Bộ GD-ĐT sau hội nghị có đánh giá lại và kiến nghị mạnh mẽ về vấn đề này… Tới đây, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tập trung ưu tiên hơn nữa cho GD-ĐT.
Xung quanh những bức xúc của dư luận xã hội về một số sách giáo khoa lớp 1 thời gian qua, lãnh đạo các địa phương cũng thẳng thắn đề nghị Bộ cần có giải pháp khắc phục cụ thể. Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: Việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sách giáo khoa mới, trước mắt là với lớp 2, lớp 6 sẽ không chỉ dừng lại ở hội đồng thẩm định hay đội ngũ GV trực tiếp giảng dạy mà sẽ đăng tải công khai để xin góp ý của các tầng lớp nhân dân trên cả nước. Mục tiêu là để mỗi cuốn sách giáo khoa sau khi được phê duyệt đều có chất lượng tốt nhất, bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.




Nguồn