Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm có thêm gói cứu trợ kinh tế

[ad_1]

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành gói hỗ trợ mới để đẩy nhanh hồi phục kinh tế và cần tránh đi vào những thất bại của các gói trước.

Một trong những điểm nóng trên nghị trường hôm nay (8/11) là câu chuyện chính sách hỗ trợ cho kinh tế.

Đại biểu Trần Thị Vân (Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bắc Ninh) cho rằng Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. “Chỉ khi đầu tàu khỏe thì mới đủ sức kéo nền kinh tế vượt qua khó khăn và phát triển bền vững”, bà nói.

Tuy nhiên, bà Vân cũng cho rằng, dù chính sách hỗ trợ là cần thiết và cấp bách, nguồn ngân sách cũng là hữu hạn. Theo đó, kinh nghiệm từ việc thực hiện những gói cứu trợ trước cần được xem xét để tránh lặp lại những rủi ro.

“Nếu như gói hỗ trợ này được ban hành, chúng ta cần rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ sau khủng hoảng năm 2009, cách đây 12 năm. Gói cứu trợ 1 tỷ USD đã khiến cho hệ thống ngân hàng gặp không ít khó khăn vì nợ xấu”, bà Vân nói.

Để các tổ chức tín dụng phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn, theo bà, Chính phủ cần có một bộ phận hoặc tổ công tác theo dõi, tổng hợp, đánh giá, điều phối.

Đại biểu Trần Thị Vân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh thảo luận tại nghị trường chiều 8/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đại biểu Trần Thị Vân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, thảo luận tại nghị trường chiều 8/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đi sâu vào từng nhóm đối tượng được hưởng, đại biểu tỉnh Bắc Ninh đề nghị cần có thêm chính sách cho nhóm hộ kinh doanh cá thể. Việt Nam hiện có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể với 9 triệu lao động và đóng góp gần 30% GDP cả nước. Với 80% hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ, đây là khu vực kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

“Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng hộ kinh doanh thì lại không phải là chủ thể của những chính sách đó. Đến nay chưa có một quy định cụ thể nào để hộ kinh doanh được hỗ trợ như là các doanh nghiệp”, bà Vân nêu vấn đề.

Lấy dẫn chứng việc hầu hết quốc gia đều phải can thiệp mạnh vào nền kinh tế bằng các gói hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Như So So cũng cho rằng Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra gói hỗ trợ. Ông đánh giá, điểm tích cực là hiện nay dư địa về chính sách vẫn còn, về nợ công và lạm phát, đủ để giúp kiểm soát ổn định vĩ mô.

Đại biểu Nguyễn Như So. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Như So. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đối với các gói hỗ trợ thời gian qua, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đánh giá, nhiều chính sách chưa bao quát hết các nhóm đối tượng. Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hưởng thụ còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, chi phí tăng mạnh, lại không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ. Hoặc các giải pháp hỗ trợ thuế thu nhập cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề phải đóng cửa như khách sạn, nhà hàng không có nhiều ý nghĩa.

“Quan điểm của các nhà làm chính sách phải thực sự muốn hỗ trợ, khuyến khích và mong muốn cho đi. Từ đó có cách tiếp cận cởi mở và thân thiện, nhân văn hơn”, ông So nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình) thì cho rằng, trước hệ lụy làn sóng thứ tư, số người bị tác động tiêu cực của đại dịch rất lớn và từ đây xuất hiện một nghịch lý là vấn đề lao động và việc làm vừa thiếu, vừa thừa.

Để tập trung giải quyết vấn đề này, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút được lượng lao động quay trở lại nơi làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để khôi phục năng lực sản xuất. Đồng thời, chính sách cũng cần hỗ trợ các địa phương, có phương án giải quyết việc làm cho người lao động trở về địa phương mà chưa sẵn sàng quay trở lại các khu công nghiệp, thành phố lớn.

Minh Sơn

[ad_2]