Cựu sinh viên xuất sắc thế giới: “Nhiều người đang định nghĩa sai lầm về tài năng”

[ad_1]

Theo TS Nguyễn Chí Hiếu, lâu nay, chúng ta thường định nghĩa học sinh tài năng là những người đạt điểm số cao trong các bài thi chuẩn hóa hay điểm GPA. Nhưng thực ra, đó là một quan niệm sai lầm.

TS Nguyễn Chí Hiếu từng được biết tới là cựu sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004, theo kết quả của Hội đồng khảo thí A-level; top 100 sinh viên xuất sắc thế giới năm 2006 do Viện Giáo dục quốc tế IIE bình chọn. Anh lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ) và từng là thủ khoa MBA tại Đại học Oxford (Anh).

Có hơn 15 năm đồng hành cùng học sinh ở các độ tuổi khác nhau, TS Nguyễn Chí Hiếu nhìn nhận, hiện nay, rất nhiều người đang có những mặc định sai lầm về định nghĩa “tài năng”.

Đi du học, đỗ trường chuyên là tài năng?

Theo TS Hiếu, rất nhiều người hiện nay cho rằng, cứ đạt điểm cao trong các bài thi chuẩn hóa, GPA; đỗ vào trường chuyên, lớp chọn hoặc giành được học bổng toàn phần đi du học,… đó đều là những người tài năng.

Từ suy nghĩ ấy, nhiều phụ huynh sớm đã cho con đi học thêm ở khắp nơi, vạch ra mục tiêu để con phải được đi du học hay học trường quốc tế.

“Tôi biết một số phụ huynh, khi con vừa vào lớp 1, dù chưa quen mặt chữ tiếng Việt nhưng đã mong muốn con phải được học Toán bằng tiếng Anh, học Khoa học bằng tiếng Anh,… tóm lại phải làm sao để được học nhiều nhất có thể.

Đến khi con học xong cấp 1, chuẩn bị lên cấp 2, phụ huynh lại lo cho con học ở đâu để sau này dễ dàng thi đỗ vào lớp 10 Chuyên Ams, Chuyên Tự nhiên hay Chuyên Sư phạm,…

Còn chuyện phụ huynh có con học cấp 2, cấp 3 lên các diễn đàn hỏi cách luyện thi như thế nào để con tăng cơ hội được đi du học không phải là chuyện hiếm”, TS Hiếu nói.

Cựu sinh viên xuất sắc thế giới: “Nhiều người đang định nghĩa sai lầm về tài năng”

TS Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, tài năng không phải khẳng định ở điểm số.

Tuy nhiên, theo anh, điều này vô tình đẩy chương trình học của trẻ trở nên cồng kềnh, khiến đứa trẻ một lúc phải “tải” rất nhiều thứ.

“Bản thân tôi từng được nghe một số học sinh cấp 2, cấp 3 chia sẻ về những điều chúng đã phải trải qua. Có học sinh lớp 8, vì bố mẹ gây áp lực rằng môn học nào cũng phải được điểm 10 nên học sinh này thường xuyên thức đến 11 – 12 giờ đêm để học. Con nói, cả tháng nay trong đầu con chỉ có một chữ là “mệt”. Lúc nào con cũng chỉ muốn dừng lại việc học.

Hay có một học sinh lớp 11 chuyên Anh của một ngôi trường chuyên hàng đầu cả nước, lẽ ra phải là một niềm tự hào, nhưng con chia sẻ, trong suốt 3 năm qua, “con đã vài lần nghĩ đến chuyện… “chấm hết”’.

Thậm chí, có những học sinh từng đạt 8.5 IELTS, 1600 SAT nhưng khi đỗ vào ngôi trường hàng đầu nước Mỹ vẫn bị sốc và có suy nghĩ muốn nghỉ học.

“Dù được học bổng toàn phần, trong mắt mọi người là “con nhà người ta” và được tung hô, nhưng kể từ khi vào đại học, sinh viên này trở nên lạc lõng. Sau một thời gian, em đã phải quyết định “gap year” để tự trả lời câu hỏi “Mình học để làm gì và 2 năm nữa ra trường mình sẽ làm gì””.

Tất cả những câu chuyện này, theo TS Hiếu, đều bắt nguồn từ chính mặc định sai lầm về định nghĩa “tài năng”.

Điểm cao = khả năng ghi nhớ + rèn luyện?

Thực tế, theo TS Hiếu, những mức điểm cao trong các bài thi chủ yếu nhờ vào khả năng ghi nhớ và rèn luyện của học sinh. Có một điều cần thẳng thắn nhìn nhận, 80% việc học ngày nay đều là học gạo, tức học thuộc để đưa ra được đáp án đúng cho các câu hỏi.

90% kiến thức chỉ dạy trên bề nổi, tức học sinh chỉ nhớ mà không biết bản chất của vấn đề. Các em có thể giải một phương trình bậc 2 rất nhanh nhưng lại không hiểu công thức đó để làm gì. Vì vậy, trong suốt 12 năm học, học sinh được “nhồi” vào đầu rất nhiều thứ nhưng chỉ là “quen tay làm đúng” chứ không hề hiểu bản chất.

Ngoài ra, hiện nay, 30 – 70% giờ học trên lớp dần dần đều trở thành giờ luyện thi. TS Hiếu lấy ví dụ, ở môn tiếng Anh, học sinh sẽ được thầy cô luyện cho chiến thuật làm bài đọc như: nhìn câu hỏi, xác định từ khóa, tìm nội dung chứa từ khóa trong bài đọc, đọc từng đáp án và dùng phương pháp loại trừ. Học sinh phải cố gắng để giải một câu hỏi sao cho nhanh nhất theo cách thầy đã dạy.

Thực tế bản chất của luyện thi, theo TS Hiếu, là đang giết chết sự tò mò và động lực học tập của học sinh. Thế nhưng, việc luyện thi này đã bắt đầu từ lớp 1, lên lớp 5, lớp 9 rồi vào THPT, học sinh vẫn phải luyện thi.

Chưa kể đến, 90% đề thi hiện nay vẫn là đề thi đòi hỏi câu trả lời đúng/sai mà không khơi gợi sự sáng tạo của học sinh. Thời gian cũng bị hạn chế khi học sinh phải trả lời 50 – 60 câu hỏi trong vòng một tiếng. Điều này cũng khiến cho đứa trẻ không có thời gian để sáng tạo.

“Tôi nhớ một câu nói của giáo sư tâm lý học Đại học Stanford Carol Dweck: Nếu bạn chỉ chăm chăm chạy theo một hệ thống, chương trình giáo dục mà chỉ dựa vào chuẩn hóa và điểm số, vốn dĩ bản chất là kìm hãm sự phát triển cá nhân, sự tưởng tượng và sức sáng tạo, thì bạn đừng lấy làm lạ. Đó chính xác là những gì hệ thống và chương trình ấy nhào nặn ra, là những đứa trẻ “chuẩn hoá” chỉ cần biết điểm số và thiếu sáng tạo, thiếu bản sắc cá nhân”.

Người tài năng cần hội tụ những yếu tố gì?

Quay trở lại việc định nghĩa về tài năng, TS Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, tài năng không phải khẳng định ở điểm số hay tên trường. Người có tài năng, phải hội tụ 4 yếu tố là khả năng tổng quát, chuyên biệt, độ cam kết và năng lực sáng tạo.

Khả năng tổng quát bao gồm năng lực tự học, tự đọc, nghiên cứu và tổng hợp thông tin, phản biện và sáng tạo. Từ những khả năng đó, học sinh sẽ đem áp dụng vào từng môn học chuyên biệt sao cho phù hợp.

“Thực tế, người luyện thi liên tục với các thầy giáo giỏi nhất và đạt 10 điểm, suy cho cùng vẫn không bằng người tự học nhưng đạt 7 điểm. Nhiều năm sau, người tự học sẽ thành công hơn vì đó là năng lực theo bạn dài lâu và hỗ trợ ở nhiều mặt từ công việc đến học tập. Còn với bạn điểm cao kia, một nửa số điểm ấy vẫn là của thầy”, TS Hiếu nói.

Khi đã có khả năng tổng quát và chuyên biệt, học sinh cần có độ cam kết phải đi đến cùng mục tiêu. Vì thế, có thể một học sinh không xuất sắc ở thời điểm hiện tại, nhưng nếu có sự cam kết đi đến cùng, nhìn đứa trẻ đó sau 10 năm có thể còn xuất sắc hơn một bạn luôn đạt điểm giỏi.

Cuối cùng, tài năng thực sự nằm ở sự sáng tạo. Năng lực sáng tạo, nói một cách dễ hình dung, là đưa một chiếc bút sáp cho một đứa trẻ, chưa cần dạy gì nhưng đứa trẻ ấy có thể vẽ ra rất nhiều thứ.

Tôi cho rằng, những người hội tụ đủ những yếu tố trên, đó mới là tài năng”, TS Hiếu nói.

Thúy Nga

Tiến sĩ có 15 bằng sáng chế Mỹ: 'Đừng hỏi làm gì để có mức lương nghìn đô'

Tiến sĩ có 15 bằng sáng chế Mỹ: ‘Đừng hỏi làm gì để có mức lương nghìn đô’

Khi nói chuyện với nhiều bạn trẻ, TS Công thường nhận được câu hỏi: “Làm gì để ra trường đạt mức lương 2.000 hay 10.000 USD?”. Anh cho rằng, thay vì đặt câu hỏi đó, hãy nghĩ đến việc làm thế nào để nâng giá trị bản thân.

[ad_2]