Công nghiệp phụ trợ có cổng dữ liệu trực tuyến

Được xem là động lực tăng trưởng chính của sản xuất công nghiệp những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt tăng trưởng ổn định.

Năm 2019, ngành lần đầu xuất siêu khoảng 100 triệu USD, với mức tăng trưởng 9,8%, chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Dưới tác động của dịch bệnh, ngành chế biến chế tạo chỉ tăng 2,2% trong 5 tháng đầu năm, riêng tháng 5 đã có phục hồi với mức tăng 12,8%, tạo đà cho phát triển kinh tế hậu giãn cách xã hội.

Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 6.000 lao động, tương ứng 8% lao động toàn ngành chế biến chế tạo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, trình độ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của các chuỗi cung ứng sản xuất trong nước và thế giới. Đa phần doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, trình độ hạn chế. Để tiếp cận trình độ sản xuất toàn cầu, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ quyết liệt, đồng bộ và dài hạn của nhà nước.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, Bộ Công thương chuẩn bị ra mắt hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, đơn vị chính thực hiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, những năm qua ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ có sự phát triển cả về chất và lượng.

Dẫu vậy, khả năng cung ứng thực tế còn nhiều bất cập. Nhập siêu linh kiện, phụ tùng còn rất lớn. Nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là do mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh còn lỏng lẻo, đặc biệt là với các doanh nghiệp FDI, ông Hoài cho hay.

Thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ có cái nhìn tổng quan về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng, chất lượng sản phẩm và công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Hệ thống được kỳ vọng tăng cường khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư.

Với các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp FDI, các tổ chức, cá nhân…, hệ thống giúp nâng cao hiểu biết, tận dụng thông tin, dữ liệu từ hệ thống trong trao đổi thông tin, liên kết giữa các doanh nghiệp, tăng cường hợp tác…

Trên cơ sở dữ liệu doanh nghiệp ngành, cơ quan quản lý nhà nước cũng có thêm thông tin, nắm rõ tình hình doanh nghiệp, làm cơ sở trong công tác quản lý, theo dõi, giám sát và hoạch định chính sách phát triển ngành.

Ngày 19/6, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng thế giới và sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức Lễ Khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Sự kiện do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì, với sự tham gia của các chuyên gia Ngân hàng thế giới, đại điện các hiệp hội ngành hàng và một số doanh nghiệp lớn như Samsung Việt Nam, Thaco Trường Hải, Tập đoàn An Phát… cùng trên 100 đại biểu tham dự.

Hoài Phong

Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, ôtô, điện tử, dệt may, da giày do Bộ Công Thương xây dựng. Đây là nội dung nằm trong chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ do Công Thương, Cục Công nghiệp phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng thế giới, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Nguồn