Có việc ngay khi ra trường nhờ coi trọng thực tập

[ad_1]

Biết tận dụng thời gian thực tập ở hai doanh nghiệp, trong đó có một đợt không bắt buộc, Lê Mạnh Cường có việc làm ngay khi ra trường.

Cường, 24 tuổi, là cựu sinh viên ngành Tự động hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội. Lấy bằng kỹ sư trước Tết Nguyên đán năm nay thì ra Tết, Cường nộp hồ sơ vào một công ty chuyên thiết kế và lắp đặt tủ điện cho các công trình. Từng thực tập ở công ty này bốn tháng hồi kỳ 2 năm thứ tư, Cường dễ dàng được nhận.

“Đợt thực tập đóng vai trò quyết định tới lựa chọn công việc cũng như khả năng trúng tuyển của mình vào công ty hiện tại. Mình có việc ngay giữa bối cảnh dịch bệnh với mức lương khởi điểm cao hơn so với mặt bằng chung của sinh viên ra trường”, Cường nói.

Cường trải qua ba kỳ thực tập trong thời gian đại học. Trong đó kỳ đầu tiên, là đợt bắt buộc, diễn ra ở công ty hiện tại. Cường và các bạn được trường giới thiệu rất nhiều công ty mà trường có liên kết để lựa chọn.

Sau khi tìm hiểu và nộp CV, Cường vào làm ở vị trí công nhân sản xuất tủ điện, dù học về thiết kế. Công việc tay chân nhưng anh không coi thường mà xem đó là cách làm quen với thiết bị, quan sát mọi thứ bên trong tủ điện để sau này thiết kế. “Học ở trường, mình cũng được thực hành nhưng không nhiều, chưa kể thiết bị cũ kỹ, có loại không còn phù hợp với thực tế”, Cường nói.

Không chỉ đem lại kỹ năng chuyên môn thực tế, Cường học hỏi được thêm nhiều điều, từ môi trường làm việc chuyên nghiệp đến kỹ năng giao tiếp. Anh còn có thêm thu nhập 100.000 đồng mỗi ngày.

Thấy được lợi thế, đến kỳ hè sau khi kết thúc năm thứ tư, dù không có yêu cầu, Cường quyết định ứng tuyển vào một công ty ở Bắc Ninh. Anh phải nộp hồ sơ, thi tuyển và phỏng vấn, tương tự khi xin việc. Nhờ đó, anh học được thêm nhiều kỹ năng, chuẩn bị cho khi ra trường bên cạnh kiến thức chuyên môn.

Sau đợt thứ hai, Cường còn một kỳ thực tập khác kéo dài 1,5 tháng tại trường để phục vụ đồ án tốt nghiệp.

Với tất cả kỹ năng học được, Cường tự tin có thể làm việc tốt ngay sau khi ra trường. Nhờ quen biết và giữ liên lạc thường xuyên với các anh chị ở công ty đầu tiên, anh sớm biết thông tin tuyển dụng, được giới thiệu trực tiếp, có nhiều lợi thế khi nộp hồ sơ ứng tuyển.

“Quay trở lại nơi thực tập để xin việc giống như được ‘đá trên sân nhà’ vậy”, Cường ví.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đến Ngày hội việc làm do trường tổ chức hồi tháng 4 nhằm tìm kiếm cơ hội thực tập, nghề nghiệp. Ảnh: Facebook/Đại học Bách khoa Hà Nội

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đến Ngày hội việc làm do trường tổ chức hồi tháng 4 nhằm tìm kiếm cơ hội thực tập, nghề nghiệp. Ảnh: Facebook/ Đại học Bách khoa Hà Nội

Giống như Cường, Phương Thảo, 23 tuổi, làm việc cho một doanh nghiệp chuyên về truyền thông ngay khi ra trường – nơi cô đã thực tập khi học năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau khoảng 3 tháng, Thảo xin tiếp tục cộng tác. Đến khi tốt nghiệp, cô nộp hồ sơ xin việc, không phải thi tuyển mà chỉ cần tham gia một cuộc phỏng vấn rồi được ký hợp đồng ngắn hạn ngay.

Thảo chia sẻ, ngay từ khi chọn nơi thực tập, cô đã tìm hiểu kỹ và xác định đây là giai đoạn học hỏi thực tế để “kiếm việc” dần. Vì vậy, khi được nhận, cô thể hiện sự chủ động, không nề hà bất kỳ việc gì.

“Không ít bạn không được giao việc khi thực tập, thậm chí rất ít khi đến cơ quan trong quá trình đó. Những trường hợp này có thể do đặc thù cơ quan, nhưng mình cho rằng quan trọng là do thực tập sinh thiếu chủ động. Nếu người hướng dẫn bảo không cần đến rồi mình cũng ở nhà luôn thì không thể được làm, được học”, Thảo nói. Cũng nhờ chủ động, Thảo thấy được sự phù hợp giữa mình và môi trường, công việc, từ đó có động lực thể hiện bản thân hơn, tăng cơ hội được nhận vào làm chính thức.

Không chỉ Thảo và Cường, nhiều sinh viên có việc làm tốt ngay khi ra trường nhờ coi trọng kỳ thực tập. Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông Đại học Mở Hà Nội, cho rằng thái độ và tinh thần học hỏi nghiêm túc của một thực tập sinh sẽ khiến các em tăng cơ hội tìm việc.

Đánh giá cao vai trò của giai đoạn “vừa học vừa làm”, Đại học Mở ký kết với hơn 70 đơn vị, doanh nghiệp để hỗ trợ sinh viên có nơi thực tập, với những yêu cầu rất chi tiết đối với sinh viên. Một số ngành đưa chương trình thực tập thành học phần bắt buộc. Chẳng hạn ngành Quản trị Khách sạn, sinh viên phải thực tập bốn tháng tại các doanh nghiệp, khách sạn; ngành Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phẩm có chương trình thực tập hưởng lương tại Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Sinh viên khoa Du lịch Đại học Mở Hà Nội thực tập ngay tại trường trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ảnh: HOU

Sinh viên khoa Du lịch Đại học Mở Hà Nội thực tập ngay tại trường trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ảnh: HOU

“Năm 2020, do Covid-19, sinh viên không thể đến doanh nghiệp dịch vụ khách sạn, du lịch thực tập, chúng tôi phải triển khai phòng thực hành, thực tập theo tiêu chuẩn 5 sao ngay trong khu giảng đường cho sinh viên”, ông Ngọc Anh nói. Việc hỗ trợ sinh viên và định hướng để các em có kỳ “thử việc” đúng nghĩa góp phần không nhỏ vào con số 93% sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau tốt nghiệp trong 3 năm qua của trường.

Đã ổn định công việc, Cường cho rằng ngay cả khi đi xin việc ở công ty khác, những kinh nghiệm từ các kỳ thực tập thời sinh viên sẽ vẫn là hành trang quý. Anh muốn chia sẻ kinh nghiệm “coi trọng kỳ thực tập” để sinh viên đánh giá đúng tầm quan trọng, nghiêm túc tìm hiểu kỹ trước khi bước vào giai đoạn này.

Dương Tâm