Cảnh giác mua sắm hoàn tiền 80% bằng ứng dụng MyAladdinz trên smartphone | Công nghệ

MyAladdinz là của ai?

MyAladdinz được giới thiệu là sản phẩm của Success Resources (Singapore) – một công ty chuyên tổ chức các sự kiện đào tạo quốc tế quy mô lớn với sự tham gia của những diễn giả nổi tiếng. Chức năng của ứng dụng là giúp thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe… với khả năng hoàn tiền lên đến 80% giá trị hóa đơn mua hàng.

Với những lời mời chào hấp dẫn, lượng thành viên MyAladdinz tăng lên chóng mặt. Để có thể trở thành thành viên MyAladdinz, người dùng phải đăng ký tài khoản, điền các thông tin cá nhân và thông tin về người giới thiệu, đồng thời nạp vào tài khoản của mình số tiền ít nhất 100 USD (khoảng 2,4 triệu đồng). Số tiền khi nạp vào tài khoản được quy đổi thành “gem” (đơn vị thanh toán trong ứng dụng). Mỗi “gem” có giá trị tương ứng với 1 USD.

Còn đối với hệ thống đại lý, họ sẽ phải bỏ tiền mua 300 “gem” với giá 300 USD (khoảng 7 triệu đồng). Đổi lại, chủ cửa hàng có quyền đăng ký nhiều dịch vụ như thu hộ điện nước, bán thẻ cào điện thoại, thanh toán hộ lãi vay tiêu dùng, học phí, viện phí…

Tại Việt Nam, MyAladdinz được vận hành và giới thiệu bởi Apota Education – có trụ sở tại Hà Nội, điều này khiến nhiều người có thể hiểu lầm đây là một công ty uy tín trong ngành giải trí số Việt Nam là Công ty cổ phần Appota. Thực tế, Apota Education sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook và YouTube để quảng cáo về các lớp học làm giàu, hướng dẫn kiếm tiền “nhanh như chớp” với nhiều “bằng chứng” về các cá nhân có thể mua nhà, mua xe… thông qua việc sử dụng MyAladdinz.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Công ty cổ phần Appota cho biết đã nhận nhiều thông tin phản hồi về trường hợp đối tác và khách hàng nhầm tưởng một số dịch vụ liên quan đến các lớp học làm giàu hay ứng dụng hoàn tiền được cung cấp từ một số cá nhân, tổ chức bên ngoài nhưng sử dụng nhãn hiệu tương tự với Appota. Để tránh ảnh hưởng đến thương hiệu, Appota đang tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng để xem xét ngăn chặn và tiến hành xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật.

Nhiều người cùng… mua một chiếc Mercedes

Theo tìm hiểu, MyAladdinz chỉ có các tính năng tương tự như một ví điện tử, vì vậy việc một ứng dụng “không có chức năng đầu tư phát triển” có thể tạo ra giá trị với mức lãi khủng như quảng cáo là điều khó để lý giải.


Cảnh giác mua sắm hoàn tiền 80% bằng ứng dụng MyAladdinz trên smartphone - ảnh 1

Nhiều thành viên bóc phốt chiêu lừa dùng “gem” để mua ô tô mà các admin diễn đàn MyAladdinz đăng tải

Một thành viên MyAladdinz cho biết việc sử dụng gem để mua sắm đồ dùng hằng ngày hay như thanh toán tiền điện thoại, Wi-Fi, trả tiền thuê nhà… là có, nhưng mua xe hay mua nhà như chia sẻ trên các diễn đàn hay mạng xã hội gần đây lại chỉ được các admin tung lên, với ảnh là chính.

Vấn đề là, ngay sau khi các hình ảnh khoe mua nhà, mua xe được đăng tải, ngay lập tức đã xuất hiện nhiều thông tin “bóc phốt”, như một người được cho là chủ nhân của chiếc Mercedes xác nhận những “cô gái” trong hình khoe trên mạng từ đâu đến xin tặng hoa và chụp ảnh cùng; hay một thành viên xác nhận nhiều người được cho là của MyAladdinz tập trung đông đúc tại các showroom xe sang để thay phiên nhau chụp ảnh rồi nhanh chóng biến mất…

Khuyến cáo từ cơ quan chức năng

Nhận thấy những sai phạm của ứng dụng MyAladdinz trong thời gian qua, các cơ quan chức năng tại Việt Nam đã đưa ra lời cảnh báo cho người dân nâng cao cảnh giác, không tham gia nạp tiền vào ứng dụng MyAladdinz.

Theo Công an tỉnh Bình Phước, về bản chất, ứng dụng MyAladdinz đang lấy tiền của người sau trả cho người trước và khi không có người tham gia mua “gem” nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ khó có thể lấy lại số tiền đã đầu tư. Mặt khác ứng dụng này chưa được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp phép.

Việc người dân đăng ký tham gia ứng dụng có thể dẫn đến mất tiền mặt hoặc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp. Đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương.




Nguồn