Bầu Đức nhận sai khi bỏ địa ốc

[ad_1]

Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức thừa nhận năm 2012 đã sai khi bỏ bất động sản, lĩnh vực HAGL từng là số một, nhưng sẽ không quay lại thị trường này.

Đây là lần đầu tiên sau gần chục năm quyết liệt buông mảng địa ốc, Bầu Đức nhận sai khi rời thị trường này năm 2012 để chuyển sang nông nghiệp tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – HAG) năm 2021, ngày 26/11.

“Năm 2008, tôi dám khẳng định Hoàng Anh Gia Lai là công ty bất động sản số một. Nhưng mỗi người mỗi quyết sách, tôi từ bỏ lĩnh vực này năm 2012 để làm nông nghiệp. Đến bây giờ, tôi khẳng định mình đã sai”, Bầu Đức chia sẻ.

Hiện công ty ông tập trung mảng nông nghiệp và cho biết không làm bất động sản nữa vì quay lại sẽ khó có khả năng cạnh tranh. Ông cho hay, nếu có quỹ đất đẹp, doanh nghiệp chỉ cân nhắc liên kết với công ty khác để làm.

Bầu Đức tại sân Pleiku theo dõi trận HAGL - Bình Dương, vòng 12 V-League ngày 2/5/2021. Ảnh: Đức Đồng

Bầu Đức tại sân Pleiku theo dõi trận HAGL – Bình Dương, vòng 12 V-League ngày 2/5/2021. Ảnh: Đức Đồng

Bất động sản từng là “con gà đẻ trứng vàng” của HAG giai đoạn 2006-2008, khi đó doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng cao từ việc bán căn hộ phủ sóng khắp quận 7, Nhà Bè. Ngay cả lúc thị trường địa ốc bắt đầu khó khăn, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2011, Bầu Đức vẫn khẳng định thủ sẵn 2.400 tỷ đồng tiền mặt để xoay sở khi ngân hàng thắt chặt tín dụng và tiếp tục săn các khu đất giá rẻ để đầu tư vào địa ốc.

Tuy nhiên, từ năm 2012 trở đi, Bầu Đức từng bước thoái vốn khỏi bất động sản (khi đó thị trường đang suy thoái), bán dần các quỹ đất vốn là thế mạnh của công ty để dốc toàn lực phát triển nông nghiệp tại Lào và Campuchia. Song nông nghiệp sau đó thua lỗ nhiều năm vì giá cao su lao dốc, doanh nghiệp luôn chịu áp lực xử lý nợ.

Trong khi đó, sau giai đoạn suy thoái và khủng hoảng 2011-2014, thị trường bất động sản hồi phục và bùng nổ giai đoạn 2016-2018. Đây là lý do vì sao nhiều cổ đông từng tiếc nuối khi Bầu Đức rời khỏi sân chơi bất động sản quá sớm. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư tại buổi đại hội đặt dấu hỏi với quỹ đất vẫn còn, liệu Bầu Đức có quay lại sân chơi Hoàng Anh Gia Lai từng là số một?

Khẳng định không quay lại đường đua bất động sản, người đứng đầu HAG cho hay, hiện nắm đấm chủ lực của công ty là nông nghiệp và chăn nuôi. Với lợi thế quỹ đất lớn ở Lào, Campuchia, doanh nghiệp có vị trí thuận lợi cho cả trồng trọt và chăn nuôi.

Sau thời gian dài trồng chuối, năm vừa qua, công ty ông đã phân tích dinh dưỡng của cây chuối và nhận thấy rất phù hợp với việc chăn nuôi heo, là lợi thế nguyên liệu, chiếm 40% trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó, chi phí thức ăn của công ty giảm 20% so với thị trường.

Chuối thải (phế phẩm từ cây chuối) của HAG 100% đưa được vào làm thức ăn chăn nuôi. Lợi thế của công ty là có lượng chuối lớn và trên thị trường không ai trồng chuối nuôi heo. Chi phí thức ăn chiếm 60% trong chăn nuôi heo nhưng ở đây HAG đã chủ động được 40%. Ban đầu, công ty bắt tay vào chăn nuôi heo rất thận trọng nhưng khi nhận ra những lợi thế nêu trên thì quyết định sẽ đẩy mạnh hơn.

Bầu Đức cho biết thêm, công ty đang nuôi thí điểm 4.000 con bò nhưng chưa đưa vào kế hoạch tài chính, nếu có hiệu quả mới đưa vào kế hoạch. Điều quan trọng để xóa lỗ lũy kế của HAG là nuôi heo và trồng chuối.

Tại đại hội, Chủ tịch HAG cũng chia sẻ với cổ đông về tiềm năng của cây sầu riêng ở thị trường Trung Quốc nhưng Việt Nam chưa xuất mặt hàng này đi chính ngạch được. Mảng sầu riêng vẫn đang phát triển ở Lào và Campuchia vì 2 nước này đang phát triển để xuất đi Trung Quốc chính ngạch. Hiện công ty có khoảng 600 ha sầu riêng, đến hết năm 2022 phấn đấu trồng lên 1.000 ha.

Về hành trình xử lý nợ, sau khi chuyển công ty nông nghiệp HAGL Agrico (HNG) cho ông Trần Bá Dương quản lý, Bầu Đức thừa nhận buộc phải tập trung vào HAG. “Chính anh Dương là người đã cứu HAG, nhờ anh ấy ôm khối nợ mà Hoàng Anh Gia Lai mới có thể thoát khỏi khó khăn. HAG giờ chỉ còn 4-5 công ty con nên rất gọn gàng và có thể đi rất nhanh”, ông nói.

Năm nay, HAG lên kế hoạch doanh thu 2.055 tỷ đồng, giảm 35% so với thực hiện năm trước, và lãi sau thuế là 104 tỷ đồng (năm 2020 lỗ 2.383 tỷ đồng). Vì vẫn thua lỗ, doanh nghiệp dự kiến không chi trả cổ tức cho cổ đông trong năm 2021.

Công ty đặt kế hoạch đến cuối năm nay sẽ hoàn thiện toàn bộ hệ thống chuồng trại để sẵn sàng cho năm sau triển khai nuôi 15.000 heo nái sinh sản và 300.000 heo thịt xuất chuồng mỗi năm.

Đối với ngành cây ăn trái, công ty duy trì đầu tư khoảng 10.000 ha trồng các loại cây, gồm chuối và các loại cây ăn trái khác. Riêng cây chuối, hiện doanh nghiệp trồng hoàn thiện được 5.000 ha tại Việt Nam, Lào và Campuchia, phấn đấu năng suất thu hoạch chuối bình quân từ năm 2022 sẽ đạt 50 tấn một ha.

Trung Tín

[ad_2]