Bảo vệ luận văn online khi đang hỗ trợ F0

[ad_1]

TP HCMTrong hành lý mang đến khu cách ly F0 của Hoàng Khoa có cả máy tính, tài liệu để cậu tối còn dạy học online, đêm làm luận văn tốt nghiệp.

Hôm 10/10, Nguyễn Tấn Hoàng Khoa về nhà sau khi khu cách ly F0 tại trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP HCM, nơi cậu là tình nguyện viên, dừng tiếp nhận bệnh nhân.

Suốt thời gian qua, cậu vừa hỗ trợ khu cách ly, dạy tiếng Anh online buổi tối vừa làm luận văn tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM. Hôm 18/8, nam sinh ngành Kỹ thuật nhiệt, khoa Cơ khí, bảo vệ online và đạt loại khá. Sau ba tháng quen với lịch trình bận rộn, giờ trở về cuộc sống bình thường, Khoa cảm giác “nhàn rỗi”.

Khoa bảo vệ luận văn tốt nghiệp online hôm 18/8. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khoa bảo vệ luận văn tốt nghiệp online hôm 18/8. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khoa bắt đầu tham gia chống dịch từ tháng 6. Khi dịch bệnh ở TP HCM căng thẳng, nhiều trường học trở thành khu cách ly và cần tình nguyện viên, Khoa quyết định đăng ký, dù đang chuẩn bị tốt nghiệp. Đã quen với các hoạt động xã hội của con trai, gia đình Khoa ủng hộ và chỉ dặn dò cậu cẩn thận.

“Em là người Sài Gòn nên không đành lòng nhìn thành phố mình ‘bị ốm’. Em không suy nghĩ gì nhiều, trễ tốt nghiệp cũng không sao, miễn là được góp sức với các lực lượng tuyến đầu”, Khoa nói về lý do vào khu cách ly, giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”.

Được tiêm vaccine Covid-19 từ sớm, Khoa cảm thấy may mắn và thấy cần có trách nhiệm để xứng đáng với mũi tiêm quý giá lúc đó. Cậu mang theo laptop, tài liệu luận văn, máy tính casio, điện thoại, sạc pin cùng vài bộ quần áo sơ sài rồi lên đường.

Tại khu cách ly, Khoa tiếp nhận đồ tiếp tế, đưa cơm cho bệnh nhân, dọn vệ sinh, vận chuyển thiết bị y tế, mang bình oxy và chuyển người bệnh lên tuyến trên. Được tập huấn các quy tắc an toàn nhưng lúc đầu chưa quen, Khoa sợ, “né” bệnh nhân. Sau vài lần xét nghiệm PCR âm tính, Khoa nhận ra việc tuân thủ đúng quy trình giúp cậu có thể tiếp xúc với người bệnh an toàn.

Một ngày làm việc của Khoa thường diễn ra từ 9h đến 17h. Kết thúc ca làm, cậu tiếp tục dạy online đến 22h. Thời gian còn lại đến 2h sáng, cậu dành để làm luận văn, chấm bài và trực oxy đêm. Khoa cho hay từng làm trong tổ thợ máy của một hãng hàng không 6 tháng, được rèn luyện sức chịu đựng với nắng nóng trên đường bay, cường độ công việc và thức đêm. Nhờ đó, cậu nhanh chóng thích nghi được với sức nóng của bộ đồ bảo hộ và thời gian biểu dày đặc suốt nhiều tháng qua.

“Nếu mình làm từ tâm, sức khỏe sẽ ‘chui’ ra”, Khoa hài hước nói về sức chịu đựng trước khối lượng công việc lớn trong ngày.

Nhờ khả năng tiếng Anh tốt, từng ba lần liên tiếp đạt điểm tối đa 990 TOEIC, Khoa dạy thêm cho các bạn trong lớp để họ đủ điều kiện ra trường. Lớp học online của Khoa nhiều hôm phải vào muộn do “thầy giáo” bận hỗ trợ bệnh nhân.

Có lần, Khoa đi cùng xe cấp cứu, đưa người bệnh đến bệnh viện dã chiến số 11 ở phường An Khánh, thành phố Thủ Đức. Đến giờ dạy nhưng chưa về kịp khu cách ly, Khoa mở điện thoại, lên lớp ngay trên xe.

“Mọi người hốt hoảng hỏi đang ở đâu khi thấy em mặc đồ bảo hộ. Biết em đi chở bệnh nhân, các bạn chờ em về đến nơi, thay đồ, khử khuẩn rồi vào học bình thường”, cậu kể.

Khoa (bìa trái) trong một lần làm nhiệm vụ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khoa (trái) trong một lần làm nhiệm vụ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khoa bắt đầu làm luận văn từ đầu năm và dự kiến bảo vệ vào tháng 6 nhưng sau đó bị dời lại nhiều lần vì dịch bệnh. Hoãn bảo vệ, cậu có thêm thời gian chuẩn bị, đọc lại và hiểu sâu hơn. Cậu cũng thường xuyên trao đổi với thầy hướng dẫn, nhờ gửi tài liệu để nghiên cứu. Hôm nhận được lịch bảo vệ, Khoa khá lo lắng vì không mang theo quần áo chỉnh tề. Cậu phải trao đổi với trưởng khu cách ly, xin được về ngôi nhà bỏ trống của gia đình để bảo vệ rồi quay lại. Em cũng xin phép thầy cô cho trình bày đầu tiên để nhanh chóng trở lại làm nhiệm vụ.

Trước đó, cậu đăng ký thêm 4G đề phòng sự cố về mạng, có các kịch bản nếu gặp trục trặc trong lúc trình bày. “Buổi bảo vệ diễn ra suôn sẻ. Em không quá quan trọng điểm vì còn vội về, bệnh nhân đang chờ cơm”, Khoa chia sẻ.

Những ngày trong khu cách ly, Khoa được mọi người yêu mến vì sự gần gũi, tận tình. Cậu trò chuyện, động viên bệnh nhân và tìm hiểu hoàn cảnh để đề xuất khu cách ly hỗ trợ. Nhiều bệnh nhân khỏi bệnh còn gửi quà và trà sữa đến tặng Khoa vì biết cậu mê món này.

“Em hạnh phúc vì việc mình làm mang lại niềm vui cho người khác. Em có mệt nhưng sự mệt mỏi ấy cho em cảm giác thanh thản”, Khoa nói.

Sau nhiều tháng tham gia tình nguyện, Khoa thấy mình trưởng thành, đồng cảm hơn với người bệnh và có thêm kiến thức phòng chống Covid-19. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa, cậu dự định du học thạc sĩ ở Nhật Bản vào tháng 5 năm sau. Nhưng giờ, nếu nơi nào cần tình nguyện viên hỗ trợ, Khoa bảo vẫn sẵn sàng xung phong.

Anh Nguyễn Thế Khang, chánh thanh tra quận 10 kiêm trưởng ban điều hành khu cách ly F0 tại trường THCS Nguyễn Văn Tố, ấn tượng với Khoa ở sự tốt bụng, chịu khó và duyên ăn nói. Trong đội tình nguyện 14 người, Khoa là sinh viên duy nhất.

Thấy Khoa làm việc với cường độ cao, lại chuẩn bị tốt nghiệp, anh Khang động viên và tạo điều kiện để cậu có nhiều thời gian học. Nhưng Khoa nói có thể tự sắp xếp được và muốn chủ động công việc. “Khoa xin phép tôi về nhà thi và trở lại trễ. Trước hôm thi, cậu ấy được xét nghiệm PCR để đảm bảo không mang mầm bệnh ra ngoài”, anh Khang nói.

Trưởng ban điều hành nhận xét Khoa có năng lực, lại chịu khó, tự lực cánh sinh và không cần quá nhiều sự hỗ trợ của người khác.

Khoa (thứ ba, từ phải qua) cùng đội 5 người hỗ trợ bệnh nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khoa (thứ ba, từ phải qua) cùng đội 5 người hỗ trợ bệnh nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với thầy Hà Anh Tùng, chủ nhiệm bộ môn Công nghệ Nhiệt lạnh, khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa TP HCM, Khoa là sinh viên đặc biệt. Cậu là lớp phó, có trách nhiệm trong mọi hoạt động, có khả năng lãnh đạo và kêu gọi mọi người tham gia.

“Trong thời gian ở khu cách ly, Khoa bận rộn từ sáng đến tối nhưng không quên nhiệm vụ học tập. Khoa là một trong những đầu tàu không những về học tập mà còn các hoạt động trong và ngoài trường”, thầy Tùng chia sẻ.

Bình Minh

[ad_2]