Ba cách tạo sức hút với sinh viên

Sau hơn một năm lúng túng với việc thu hút sinh viên trong giờ học, PGS Firdous Ahmad Khan, giảng viên Đại học St.George (Grenada), đã rút ra ba bài học.

Firdous A.Khan đã chia sẻ trải nghiệm của mình trên Science Mag:

Khi chuẩn bị bài giảng đầu tiên với tư cách giảng viên mới, tôi háo hức và tự nhủ: “Mình phải có nhiều bài thuyết trình, nghiên cứu trong sự nghiệp. Mình nhất định phải làm được điều này”. Tuy nhiên, tôi mất nhiều thời gian để nhận ra rằng mình đã quá xa rời sự thực tế vì các nghiên cứu sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu sinh viên không thích bài giảng của tôi.

Có một lần, thấy vài sinh viên đang cười khúc khích, tôi băn khoăn: “Liệu mình nói gì hay ăn mặc lố bịch để các em cười?”. Sau đó tôi nhận ra sinh viên đang cười một bài viết trên Facebook, tôi cảm thấy nhẹ nhõm nhưng sau đó cũng nhận ra đó là dấu hiệu cho thấy tôi thất bại trong việc thu hút sự chú ý của các em.

Khi còn ở đại học, tôi làm việc như một trợ giảng, giữ vị trí hướng dẫn sinh viên thực hành trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, tôi chưa từng đứng lớp nên không có kinh nghiệm gì.

Khi trở thành giảng viên, tôi đảm nhận nhiệm vụ khó khăn khi giảng dạy 50 bài lý thuyết và nhiều buổi thực hành tại phòng thí nghiệm mỗi kỳ. Mỗi lần đứng lớp, tôi nghi ngờ khả năng giảng dạy của mình cùng nỗi sợ sinh viên sẽ không tiếp thu được những điều mình nói.

PGS Firdous Ahmad Khan. Ảnh: Fanpage St. Georges University

PGS Firdous Ahmad Khan. Ảnh: Fanpage St. George’s University

Tôi bắt đầu suy ngẫm về những trải nghiệm của bản thân khi còn là sinh viên, cố gắng nhớ lại điều gì đã giúp tôi học hỏi, điều gì khiến tôi chán nản. Tôi tìm kiếm những phương pháp khoa học có thể giúp đỡ mình, học hỏi từ các chuyên gia sư phạm và đồng nghiệp giàu kinh nghiệm. Họ nói với tôi về cách đã sử dụng khi còn là giáo viên mới.

Trong một năm, tôi có nhiều thay đổi trong giảng dạy. Tôi bắt đầu sử dụng các kỹ năng và công cụ mới để giúp sinh viên hào hứng. Một sinh viên đã viết trong phần đánh giá rằng cách tiếp cận và giảng dạy của tôi khiến thông tin trở nên thú vị và thấy thu hút. Thay vì lo lắng, dạy học dần trở thành sự thoải mái và niềm hạnh phúc của tôi. Tôi rút ra ba bài học giúp mình trở thành giáo viên tốt hơn.

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Dạy học là một kỹ năng và không tự xuất hiện. Muốn sở hữu nó, ai cùng cần học. Nhiều nhà khoa học cho rằng bằng tốt nghiệp tiến sĩ đủ để giúp họ trở thành giáo viên nhưng thực tế không phải vậy. Hầu hết trường đều tạo điều kiện giúp đỡ giáo viên mới nhưng tôi nghĩ chúng ta phải chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ.

Tôi nghĩ một trong những cách học hỏi tốt nhất là tham gia các khóa học về phương pháp giảng dạy tại trường. Việc này giúp giáo viên xây dựng mối liên hệ với đồng nghiệp, trao đổi ý tưởng và chia sẻ khó khăn với nhau.

Tăng cường sự tương tác

Giúp sinh viên hứng thú và chủ động tương tác với bạn trong bài giảng là chìa khóa để giữ sự chú ý của các em, tăng cường tư duy phản biện. Trong lớp học nhỏ, giáo viên có thể yêu cầu sinh viên tương tác với bạn trong nhóm và trả lời các câu hỏi giúp các em tập trung. Sau đó, giáo viên có thể cho sinh viên ngồi chung với nhau, đề nghị chia sẻ ý tưởng của mình.

Các lớp học với số lượng sinh viên lớn hơn là một thử thách khó khăn nhưng phương pháp tăng cường sự tương tác vẫn cần được áp dụng. Giáo viên có thể thiết lập hệ thống câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, cho phép sinh viên truy cập đường dẫn và đưa ra câu trả lời. Đơn giản hơn, giáo viên có thể cho các em trả lời câu hỏi bằng cách chuyền đồ vật. Mỗi sinh viên lần lượt hỏi hoặc trả lời khi đồ vật đến lượt cầm của mình.

Tôn trọng sinh viên

Sinh viên sẽ hứng thú với bài giảng hơn khi cảm thấy giảng viên thực sự quan tâm và tôn trọng mình. Vì vậy, hãy đối xử với các em bằng sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và sẵn sàng giúp đỡ khi các em cần hỗ trợ. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần tìm hiểu thói quen và sở thích sinh viên, tạo không gian học tập thoải mái nhất. Chẳng hạn, một số sinh viên không thoải mái việc giơ tay phát biểu nên tôi sử dụng một tài liệu Google ẩn danh để các em đặt câu hỏi cho mình.

Dạy học không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng giáo viên vẫn phải hoàn thành trách nhiệm là giúp đỡ các em học tập và tiến bộ. Nếu thực sự cố gắng, tôi tin giáo viên có thể tạo được môi trường học tập một cách tối đa cho mọi người.

Thanh Hằng (Theo Science Mag)

Nguồn