AUSTRALIA GIỚI THIỆU NĂNG LỰC CÔNG NGHỆ HƯỚNG ĐẾN HỢP TÁC PHÁT TRIỂN TƯƠNG LAI KỸ THUẬT SỐ BỀN VỮNG CÙNG VIỆT NAM

Phái đoàn các công ty công nghệ hàng đầu Australia hiện đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam thông qua Chương trình Giao thương Australia – Đông Nam Á (A-SEABX) khai mạc vào thứ Hai, ngày 24 tháng 6 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nicholas Moore – Đặc phái viên Đông Nam Á của Chính phủ Australia phát biểu tại Sự Kiện

Trong dịp này, Ông Nicholas Moore, Đặc phái viên Đông Nam Á của Chính phủ Australia và Bà Louise Adams, Doanh nhân Tiên phong của Australia cùng Phái đoàn Doanh nghiệp gồm các nhà lãnh đạo của 13 công ty công nghệ, sẽ cùng giới thiệu năng lực Australia trong lĩnh vực an ninh mạng, công nghệ tài chính và nông nghiệp công nghệ cao và kết nối với các đối tác Việt Nam.

Bà Louise Adams – Doanh nhân Tiên phong của Australia 

Nhân dịp này, Phái đoàn sẽ gặp gỡ với Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, các hiệp hội ngành, các quỹ đầu tư, công ty công nghệ hàng đầu để tìm hiểu về hệ sinh thái công nghệ năng động và khám phá các cơ hội hợp tác tại Việt Nam.

Diễn đàn Công nghệ Australia – Việt Nam 2024 do Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade) tổ chức diễn ra vào Thứ ba, ngày 25 tháng 6, chào đón hơn 100 đại biểu trong lĩnh vực công nghệ đến giao lưu với 19 diễn giả của hai quốc gia.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Austrade chính thức khởi động Chương trình Landing Pad – là một sáng kiến của Chính phủ Australia với mục tiêu giúp các công ty khởi nghiệp Australia hòa nhập và mở rộng phát triển tại khu vực đối tác. Chương trình Landing Pad tại Việt Nam được Thủ tướng Australia công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Australia tại Melbourne vào ngày 05 tháng 3 năm nay.

Theo Ông Daniel Boyer, Phó Giám đốc Điều hành của Austrade, Chương trình Landing Pad sẽ giúp các công ty công nghệ Australia phát triển chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả nhằm phát triển quan hệ đối tác bền vững với Việt Nam, góp phần vào quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ tại Đông Nam Á.

Chính phủ Việt Nam và khối doanh nghiệp đang ưu tiên số hóa ngành dịch vụ và đầu tư vào công nghệ mới. Theo Google, Temasek và Bain & Co., trong năm 2023, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam tăng trưởng 19%, trị giá hơn 30 tỷ đô la Mỹ (tương đương 44.1 tỷ đô la Australia), được xếp thứ ba ở Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan. Đến năm 2030, nền kinh tế số của Việt Nam kì vọng đạt giá trị 120–200 tỷ đô la Mỹ.

Bà Rebecca Ball – Tham tán Thương mại và Đầu tư Cấp cao Chính phủ Australia

Theo Bà Rebecca Ball, Tham tán Thương mại và Đầu tư Cấp cao Chính phủ Australia, Việt Nam đang có nhu cầu ngày càng cao về các giải pháp an ninh mạng, công nghệ tài chính và nông nghiệp công nghệ cao. Việt Nam hiện đang tập trung vào an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư rất phù hợp với mục tiêu trong Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế – Lĩnh vực Số hóa của Australia tại Việt Nam. Ngành công nghệ tài chính hiện đang phát triển theo cấp số nhân và dự kiến ​​sẽ đạt giá trị 18 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm 2024. Với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hai bên có nhiều cơ hội hợp tác trong các giải pháp để quản lý tài nguyên nước, thu giữ và lưu trữ cac-bon, quản lý rủi ro khí hậu, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Australia có năng lực đáp ứng các nhu cầu này. Austrade luôn hỗ trợ các công ty Việt Nam và Australia hợp tác vì một tương lai kỹ thuật số bền vững của cả hai quốc gia.

Giới thiệu Chương trình Giao thương Australia – Đông Nam Á (A-SEABX)

Chương trình Giao thương Australia – Đông Nam Á là sáng kiến của Chính phủ Australia nhằm phát triển thương mại song phương giữa Australia và Đông Nam Á và giới thiệu các cơ hội thương mại và đầu tư tiềm năng giữa Australia và 10 quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào, Timor-Leste và Brunei.

Các hoạt động giao thương và đầu tư sẽ tập trung vào 10 lĩnh vực ưu tiên gồm Nông nghiệp và Thực phẩm, Quản lý tài nguyên, Chuyển đổi Năng lượng xanh, Cơ sở Hạ tầng, Giáo dục và Đào tạo nghề, Du lịch và Lữ hành, Y tế, Kinh tế Số hóa, Tài chính và các ngành Công nghiệp Sáng tạo.