AI có thể sớm thay đổi tác chiến đặc nhiệm

Quân đội Mỹ đang phát triển các công cụ AI chuyên theo dõi mục tiêu và đối phó biện pháp gây nhiễu, thay đổi phương thức tác chiến đặc nhiệm tương lai.

Khi tướng Richard Clarke chỉ huy các chiến dịch đặc biệt ở Afghanistan nhiều năm trước, ông dành tới 90% thời gian để suy tính các phương án di chuyển và tấn công. “Tôi chỉ tập trung vào các cuộc tập kích, làm thế nào để bắt sống hoặc tiêu diệt mục tiêu”, tướng Clarke chia sẻ tại Hội thảo Công nghiệp các lực lượng Đặc nhiệm (SOFIC) ở Mỹ tuần trước.

Tuy nhiên, khi ông quay lại Afghanistan với tư cách chỉ huy Bộ tư lệnh Các chiến dịch Đặc biệt (SOCOM) của Lầu Năm Góc vào năm 2019, các chỉ huy Mỹ tập trung phần lớn công sức để thu thập thông tin chiến trường.

Họ dành 60% thời gian nghiên cứu phiến quân Taliban và người dân Afghanistan đang nghĩ gì, cũng như hành động của binh sĩ Mỹ gây ảnh hưởng như thế nào đến điều đó. “Chúng tôi đang nghiên cứu không gian thông tin và nỗ lực giành ưu thế. Các dự án thông tin có thể tạo ra ảnh hưởng lớn nhất trong những năm tới”, tướng Clarke nói.

Ông nhận định trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò rất lớn trong chiến tranh thông tin thời gian tới. SOCOM dự kiến thành lập một văn phòng nghiên cứu trong mùa hè nhằm phát triển AI chuyên phiên dịch ngôn ngữ, quét máy tính và điện thoại bị thu giữ, đối chiếu và đối phó với các tin nhắn của Taliban.

“Làm thế nào để phát hiện đối phương đăng thông tin gì trên Twitter theo thời gian thực để đáp trả thông điệp của chúng, hoặc nhận định đối thủ đang làm gì trong môi trường thông tin để ứng phó kịp thời”, tướng Clarke nói về mục đích của AI cho SOCOM.

Thông tin xã hội cũng đóng vai trò lớn trong hoạt động chiến thuật. SOCOM sắp khởi động một dự án mang đến công cụ AI tốt hơn cho giới chỉ huy. Một trong số đó là phần mềm hiển thị thông tin chiến thuật dưới dạng hình ảnh, cùng dữ liệu đặc biệt như cơ cấu dân số, xu hướng mạng xã hội và phân tích ý kiến cư dân. Điều này giúp các chỉ huy đặc nhiệm xây dựng bức tranh toàn cảnh về tâm lý và xã hội tại địa bàn họ đang hoạt động.

“Chúng tôi muốn mang đến cho các trung tâm điều phối cảm giác rõ nét hơn về những chiến dịch mà lực lượng đặc nhiệm cần thực hiện”, James Smith, Phó giám đốc phụ trách mua sắm trang bị của SOCOM, cho hay

“Các thông tin đó cùng dữ liệu từ hàng loạt chuyên gia phân tích sẽ được chuyển tới các binh sĩ đặc nhiệm để tạo nên môi trường tác chiến nâng cao, đem đến bức tranh toàn cảnh chính xác và nhanh chóng về tình hình”, Lisa Sanders, Giám đốc khoa học và công nghệ của SOCOM, nói.

Robot và drone tích hợp AI có thể thay con người đột kích các toà nhà. Ảnh: WAMC.

Robot và drone tích hợp AI có thể thay con người đột kích các toà nhà. Ảnh: WAMC.

Các giải pháp trí tuệ nhân tạo cũng có thể giúp lính đặc nhiệm đối phó với biện pháp gây nhiễu và phát hiện khí tài điện từ mới được phát triển. “Thật tuyệt nếu có AI đủ sức nhận diện những bất thường trong không gian, như các loại radar chưa từng xuất hiện”, Smith nhận xét. 

Về mặt tác chiến, AI cũng cho phép robot và máy bay không người lái thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm thay con người. Chúng có thể vận hành độc lập, tham gia đột kích các tòa nhà hoặc tấn công đường hầm dễ bị phục kích.

SOCOM đang phối hợp với Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Liên quân (JAIC) thuộc Lầu Năm Góc. “Cần chấm dứt suy nghĩ rằng những giải pháp này vẫn ở thời tương lai. Chúng ta phải xác định rằng chúng đang được phát triển và sẽ sớm được biên chế”, Smith nói.

Điệp Anh (theo Defense One)

Nguồn