[ad_1]
Là cựu vận động viên nhào lộn, Baerbock luôn đặt mục tiêu cao và đạt đột phá trong sự nghiệp khi trở thành nữ Ngoại trưởng đầu tiên của Đức.
Đây là bước tiến đáng chú ý đối với Annalena Baerbock, 40 tuổi, nhà đồng lãnh đạo đảng Xanh. Bà từng tranh cử thủ tướng, nhưng sớm bị gạt khỏi vòng đua bởi một loạt sai lầm, làm tiêu tan hy vọng trở thành người kế nhiệm Angela Merkel.
Dù vậy, mối quan tâm của công chúng Đức về biến đổi khí hậu và cam kết mang lại “khởi đầu mới” của Baerbock đã giúp đảng Xanh về đích ở vị trí thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử ngày 26/9, với tỷ lệ 15% phiếu bầu. Liên minh chính phủ “đèn giao thông” (ba đảng có màu đại diện xanh – đỏ – vàng) từ đó được hình thành, gồm đảng trung tả Dân chủ Xã hội, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh.
Là chuyên gia về luật quốc tế, Baerbock tuyên bố sẽ đặt vấn đề nhân quyền làm trọng tâm của chính sách ngoại giao Đức, hứa hẹn cứng rắn với Nga và Trung Quốc hơn sau thời kỳ chính quyền Merkel áp dụng chính sách ngoại giao thực dụng được thúc đẩy bởi lợi ích thương mại.
Baerbock được mô tả là người nhanh nhẹn và ngoan cường, luôn quan tâm đến từng chi tiết chính sách. “Bà ấy liên tục đặt câu hỏi cho đến khi thực sự hiểu rõ vấn đề”, một nguồn tin đảng Xanh nói với nhật báo Handelsblatt. “Bà ấy không bao giờ làm qua loa”.
Những người chỉ trích cho rằng Baerbock không xứng đáng với vị trí Ngoại trưởng Đức, bởi bà chưa bao giờ nắm giữ vai trò nào trong chính phủ và là chính trị gia ít được biết đến trước cuộc bầu cử.
Điểm yếu thiếu kinh nghiệm của Baerbock đã bộc lộ rõ trên hành trình tranh cử, khi bà vướng phải một loạt va vấp như sai sót trong sơ yếu lý lịch hay những cáo buộc đạo văn trong cuốn sách mới của bà.
Có lần, sau khi phát biểu trước khán giả, bà bị bắt gặp nói một số lời khiếm nhã ở phía sau sân khấu vì micro chưa tắt.
Baerbock thừa nhận mắc nhiều sai lầm, nhưng đảng Xanh cũng lưu ý tới một thực tế là bà đã phải chịu thiệt thòi so với các ứng viên khác khi bị công kích về giới tính và trở thành mục tiêu của các chiến dịch thù ghét trên mạng.
Lớn lên trong một trang trại gần thành phố Hanover, phía bắc nước Đức, Baerbock sớm bén duyên với chính trị khi cha mẹ đưa bà tới các cuộc biểu tình chống hạt nhân vào những năm 1980.
Thời thiếu niên, bà đã tham gia các cuộc thi nhào lộn, giành được ba huy chương đồng trong giải vô địch Đức. Bà nói rằng môn thể thao này đã trui rèn bà trở thành người dũng cảm.
Baerbock học khoa học chính trị và luật tại Hanover trước khi lấy bằng thạc sĩ về luật công quốc tế tại Trường Kinh tế London. Sau khi thử sức ở lĩnh vực báo chí, bà gia nhập đảng Xanh vào năm 2005 và đến năm 2009, bà trở thành người đứng đầu chi nhánh Brandenburg của đảng. Bà được bầu làm nghị sĩ tại hạ viện vào năm 2013.
Baerbock kết hôn với Daniel Holefleisch, một nhà tư vấn chính trị. Họ có hai con gái và hiện sống ở Potsdam, gần thủ đô Berlin.
Với tư cách đồng lãnh đạo đảng Xanh từ năm 2018, Baerbock và Robert Habeck đã nỗ lực thay đổi hình ảnh đảng Xanh. Đảng này ban đầu bị coi là những nhà hoạt động vì hòa bình khác thường, nhưng giờ họ là lực lượng chính trị chính thống được coi trọng.
Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019, đảng Xanh đã nhận được 20,5% số phiếu bầu ở Đức.
Cả Baerbock và Habeck đều đại diện cho cánh “Realo” của đảng Xanh, được coi là thực dụng và ôn hòa hơn so với cánh “Fundi” cấp tiến.
Baerbock sẽ là ngoại trưởng thứ hai của Đức thuộc đảng Xanh, sau Joschka Fischer, người từng phục vụ dưới thời thủ tướng Gerhard Schroeder từ năm 1998 đến 2005.
Baerbock muốn châu Âu có trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề an ninh và quốc phòng, đồng thời phản đối đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) nối Nga và Bắc Âu, vốn được chính quyền Merkel ủng hộ nhưng khiến các đồng minh của Đức khó chịu.
Baerbock gần đây cáo buộc Nga đẩy giá năng lượng của châu Âu tăng cao bằng cách giữ lại nguồn cung khí đốt cho đến khi đường ống được Đức phê duyệt đưa vào sử dụng. Bà khẳng định Đức không thể để “bị tống tiền”.
Đối với Trung Quốc, Baerbock kêu gọi “đối thoại nhưng cứng rắn”. Đồng thời, bà thúc giục Liên minh châu Âu (EU) “đừng ngây thơ” khi đối phó với Bắc Kinh.
Katharina Munch, giáo viên về hưu từng đến xem Baerbock phát biểu trong chiến dịch tranh cử thủ tướng, nhận xét bà cảm thấy ấn tượng về phong thái tự tin của nữ Ngoại trưởng. “Baerbock ấy tập trung vào các vấn đề chứ không phải cảm xúc”, Munch nói. “Bà ấy có vẻ là người đáng tin cậy”.
Vũ Hoàng (Theo AFP)
[ad_2]